Tin địa phương

Nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tại cuộc họp cơ quan báo, đài quý III/2022 do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 6/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết: Kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến ngày 28/9/2022 được gần 3.000 tỷ, đạt 35,1% kế hoạch.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng kết quả giải ngân vốn đầu tư công hiện nay như vậy rất thấp và phải quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt giải ngân vốn đầu tư công 95%.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho rằng vấn đề lo lắng và quan tâm, đó là giải ngân đầu tư công. Đến nay, mới giải ngân được hơn 3.000 tỷ, chỉ đạt hơn 41%. Đã hết quý III, đi hết 3/4 chặng đường của năm. Nếu tiến độ bình quân thì phải đạt 75%. Như vậy, thành phố Cần Thơ đã chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra, để đẩy nhanh tiến độ, UBND thành phố Cần Thơ đưa ra 4 giải pháp:

Giải pháp thứ nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư. Làm sao tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, các sở, ngành với nhau tháo gỡ thủ tục, phối hợp với bộ, ngành Trung ương để thực hiện các thủ tục. Đối với chủ đầu tư phải tăng cường công tác kiểm tra ngoài công trình. Chúng tôi đã thành lập 4 đoàn, do 4 Phó Chủ tịch làm Trưởng đoàn để kiểm tra. Qua kiểm tra, đề xuất giải quyết khó khăn vướng mắc. Đến nay, các quận, huyện giải ngân khá cao, có quận đã giải ngân hơn 82%...

Giải pháp thứ hai là quyết liệt xử lý mạnh vấn đề chuyển nguồn vốn. Một số dự án khó khăn không giải ngân được thì cắt giảm nguồn vốn này và dự án khác đang cần nguồn vốn, đang triển khai tốt thì chuyển vốn qua dự án đó.

Quang cảnh cuộc họp.

Giải pháp thứ ba là nếu có hồ sơ chuẩn bị đầu tư, đủ điều kiện, đủ hồ sơ rồi thì mời thầu triển khai; triển khai dự án mới khởi công công trình để hấp thụ nguồn vốn đang có.

Giải pháp thứ tư là UBND thành phố Cần Thơ đã gửi 02 văn bản để xin Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính điều chỉnh vốn lại. Vốn này là vốn vay mà hiện đang không có nhu cầu sử dụng, để chuyển qua năm sau để giảm vốn (vốn ODA và vốn Chính phủ vay) của địa phương vay lại, như Bệnh viện Ung bướu phải điều chỉnh thời gian, xin chủ trương đầu tư lại và có dự án ODA điều chỉnh thời gian.

Cần Thơ đã có văn bản xin giảm 1.450 tỷ, do điều kiện khó khăn vướng mắc phải điều chỉnh. Vốn này thành phố Cần Thơ xin điều chỉnh để qua năm sau. Đối với các dự án ngoài ngân sách, nhà đầu tư có nhiệm vụ nộp tiền sử dụng đất và được khấu trừ tiền bỏ ra bồi thường, hỗ trợ cho dân. Như vậy, đề nghị giảm đi phần này khoảng 800 tỷ nữa. Nếu 2 nguồn này giảm thì tổng nguồn vốn của thành phố Cần Thơ chỉ có 8.030 tỷ. Hiện nay, Cần Thơ đã giải ngân được hơn 3.000 tỷ cộng với giảm hơn 2.000 tỷ nữa. Còn lại tập trung các dự án giao thông như: Đường 917, Đường 918, Đường 921, Đường 923, Đường vành đai phía Tây… giải ngân hơn 2.000 tỷ nữa.

Công trình cầu Trần Hoàng Na chậm tiến độ.

Nếu các giải pháp này thực hiện nghiêm túc thì đến ngày 31/12 có thể đạt được chỉ tiêu giải ngân Chính phủ đặt ra 95%.

Tác giả: Huỳnh Biển

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP