Trong nước

Nhiều ĐBQH đề nghị kéo dài đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tới Cần Thơ

Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tại phiên họp toàn thể chiều 20/11, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng thêm 100 km nữa từ TP Hồ Chí Minh tới Cần Thơ nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long lên TP.

Bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam theo đề xuất của Chính phủ, đánh giá đây là bước đi tất yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) thông tin, khu vực phía Nam với trung tâm là TP Hồ Chí Minh đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Tuy nhiên, các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, những vùng có tiềm năng lớn về nông nghiệp, thủy sản và du lịch lại chưa được kết nối hiệu quả với hệ thống đường sắt quốc gia.

“Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đầu tư vào hạ tầng giao thông có thể làm tăng trưởng GDP từ 1,5 đến 2% mỗi năm, việc kết nối TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh miền Tây sẽ giảm chi phí logistics và thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu.

Theo ước tính, với tốc độ cao 200 đến 250km/1h, năng suất vận chuyển có thể đạt 50 triệu hành khách/1 năm và 15 triệu tấn hàng hóa/1 năm cho tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, có thể giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long lên TP Hồ Chí Minh khoảng 15 đến 20%, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ xuống còn 1 giờ so với 3 đến 4 giờ bằng đường bộ như hiện nay; nâng cao chất lượng cuộc sống, mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục, y tế và việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa”- đại biểu Nguyễn Thị Lệ phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Từ đó, đại biểu đề xuất chúng ta nên quan tâm việc đầu tư ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TP Chí Minh - Cần Thơ. Đây cũng là tuyến có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh, sau đó mở rộng tuyến đường sắt đến các tỉnh cực Nam như Kiên Giang và Cà Mau.

Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững, theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, đường sắt tốc độ cao cần được quy hoạch trong mối quan hệ chặt chẽ với các loại hình giao thông khác như đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Việc này đảm bảo tính liên thông trong vận tải và tối ưu hóa hiệu quả khai thác, kết nối các trung tâm kinh tế lớn với các khu vực sản xuất, khu công nghiệp, cảng biển và sân bay để tạo thành một hệ thống giao thông liên hoàn.

Trong đó, cần xác định rõ các tuyến đường ưu tiên đầu tư dựa trên mật độ dân cư, nhu cầu vận tải và tiềm năng phát triển kinh tế như tuyến Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang và tiếp là TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, rồi đến các tuyến khác.

Bởi theo đại biểu, đường sắt tốc độ cao không chỉ phục vụ giao thông mà còn là động lực để phát triển kinh tế vùng, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực phát triển và khu vực khó khăn. Vì vậy, cần đảm bảo tuyến đường sắt đi qua các khu vực kinh tế tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả để kích thích phát triển.

Còn theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), khu vực vùng núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long là phên giậu của quốc gia, nơi đầu sóng ngọn gió hứng chịu nhiều "bão táp phong ba" nên hai nơi này hiện đang gặp khó khăn nhất nước, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Dù có rất nhiều tiềm năng nhưng với vị trí xa xôi, hẻo lánh, việc đi lại khó khăn, vất vả nên dù có trải thảm đỏ thì các nhà đầu tư vẫn không mặn mà.

Bởi vậy, đại biểu kiến nghị phạm vi đầu tư của dự án thì điểm đầu là Lạng Sơn và điểm cuối là mũi Cà Mau. Nhưng do nguồn lực có hạn nên chúng ta có thể phân kỳ chia ra từng giai đoạn để đầu tư, như giai đoạn 2025-2035 đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2035-2040 các đoạn còn lại.

“Nếu ví quốc gia như một ngôi nhà, phên giậu có vững chắc thì ngôi nhà mới có êm ấm, vững chãi, nên tôi rất mong được Quốc hội tiếp tục quan tâm, đầu tư đến các vùng biên cương của Tổ quốc để nơi đây không phải là điểm đầu hay điểm cuối mà là điểm đến của các nhà đầu tư”-đại biểu đề nghị.

Đồng quan điểm cùng với đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) tha thiết mong Quốc hội xem xét lại về phạm vi đầu tư, nếu kết nối được 2 địa đầu của đất nước là rất tốt để tạo điều kiện cho những địa phương đi qua có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Nhưng nếu chưa đảm bảo được nguồn lực thì ít nhất trong tuyến đường này cũng kết nối đến TP Cần Thơ, thay vì chúng ta phải tiếp tục chờ đợi từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ cho một dự án khác.

“Tôi tha thiết đề nghị trong chủ trương đầu tư này nên nối dài đường sắt cao tốc tốc độ cao đến TP Cần Thơ sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để giảm tải áp lực giao thông, chống ùn tắc trong các tuyến kết nối từ TP Hồ Chí Minh, từ vùng Đông Nam Bộ đến các tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là để góp phần cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội về thương mại về logistics, du lịch cho vùng và nhằm góp phần thắng lợi thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đối với sự phát triển đồng bằng sông Cửu Long, để đồng bằng sông Cửu Long không bị bỏ lại so với các vùng khác và phát triển cũng tương xứng với tiềm năng vốn có của mình”-đại biểu Hoa Ry bày tỏ.

Các ĐBQH tại phiên họp toàn thể

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề xuất chúng ta tính toán mở rộng không gian phát triển của các ga đường sắt trung tâm tại hai đầu của Bắc – Nam, kết nối với đường sắt hiện hữu, các phương tiện giao thông, cảng hàng không hiện hữu để thu hút lượng khách đến và đi.

Còn đối với các tỉnh Nam Bộ, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, do hiện nay chưa có đường sắt và hệ thống giao thông còn hạn chế, chúng ta có thể thiết kế hệ thống đường sắt kết nối tới trung tâm của vùng, kết nối với sân bay, cảng biển để khai thác tối đa hiệu quả của tuyến đường sắt này.

Là công dân của đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, từ TP Hồ Chí Minh về tới Cần Thơ chỉ có 100 km thôi, trong khi dự án làm hơn 1.000 km rồi. “Chấp nhận số vốn cỡ đó tới Cần Thơ nữa thì dân đồng bằng sông Cửu Long rất phấn khởi, vì hiện nay đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ chỉ có một con đường duy nhất, tôi không biết chừng nào làm đường cao tốc tiếp. Cho nên, quy hoạch thực hiện xây dựng đã có rồi, trong trường hợp này tôi đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu xây dựng thêm tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chỉ có 100 km thôi’- đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị.

Về các đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi của Hà Nội và điểm cuối tại Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh. Còn đoạn tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ chúng ta cũng đã có 2 dự án riêng và đang triển khai cũng rất quyết liệt, đặc biệt là dự án Hà Nội - Lạng Sơn, hiện nay Bộ cũng dự kiến sẽ vay vốn Trung Quốc để làm và đang nghiên cứu quy hoạch.

Dự án Hà Nội - Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ sẽ là đường sắt khổ tiêu chuẩn chở hỗn hợp cả người và hàng hóa và tốc độ thiết kế đối với chở hành khách là từ 160-200 km/h và chở hàng hóa với tốc độ trung bình khoảng 100-120 km/h. Riêng 2 đoạn tuyến này, nhu cầu hàng hóa rất cao nên đối với 2 đoạn tuyến này chúng ta sẽ phải kết hợp chở hàng hóa và người. “Hiện nay, đối với dự án TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chúng tôi đã nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, hiện nay đang thu xếp nguồn vốn”-Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Tác giả: Thanh Hòa

Nguồn tin: congan.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP