Trong nước

"Nhận nhiệm vụ thì phải làm, năng lực không đủ thì xin xuống chức nhỏ hơn"

"Các đồng chí nhận nhiệm vụ thì phải làm, nếu khó khăn thì báo cáo, xin ý kiến. Còn thấy năng lực của mình không đảm đương được thì xin làm chức nhỏ hơn", Phó Bí thư Thường trực TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Cần Thơ đang đứng trước cơ hội lớn nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề

Chiều 31/1, Thành ủy Cần Thơ tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ và các công trình trọng điểm trên địa bàn TP Cần Thơ.

Quang cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo chiều 31/1 (Ảnh: Phạm Tâm).

Đối với 20 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết 59 có 6 nhiệm vụ do các bộ, ngành Trung ương chủ trì tổ chức thực hiện; đến nay có 2 nhiệm vụ đã hoàn thành. Trong số 14 nhiệm vụ do UBND thành phố chủ trì tổ chức thực hiện có 7 nhiệm vụ đã hoàn thành.

Đối với danh mục 19 dự án do địa phương thực hiện, thành phố cập nhật thêm 6 dự án và đã triển khai cụ thể 25 dự án.

Về tiến độ, kết quả triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, trong 14 công trình trọng điểm theo Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy có 5 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, 9 dự án đang triển khai thực hiện.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo nhìn nhận vẫn còn nhiều nội dung chưa được triển khai thực hiện. Công tác phối hợp trong các cơ quan chuyên môn thuộc Cần Thơ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kịp thời tham mưu UBND thành phố, Ban cán sự Đảng để chỉ đạo thực hiện, giải quyết. Từ đó dẫn tới còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư ngoài ngân sách…

Ông Lê Quang Mạnh- Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Phạm Tâm).

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, thành phố đang đứng trước cơ hội lớn nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề. Các nhiệm vụ đề ra tại 3 Nghị quyết trên là vô cùng cấp bách đòi hỏi thành phố phải có nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ mới có thể đạt kết quả như kỳ vọng.

Trong đó, có 4 việc lớn yêu cầu cấp thành phố, quận, huyện và các bên có liên quan phải giải quyết trước ngày 10/2 gồm: duyệt thiết kế kỹ thuật cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Xem xét, phê duyệt bảng giá nền các khu tái định cư để dân bốc thăm vào ở; Sở Giao thông vận tải, quận Cái Răng phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận duyệt tăng tổng mức đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên địa bàn quận Cái Răng; Nhanh chóng có tờ trình đưa vào kỳ họp HĐND thành phố bất thường để phân bổ kinh phí cho các quận, huyện giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, tái định cư và chốt phân bổ vốn cho 3 dự án hạ tầng kết nối, phục vụ cho Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP).

Nếu thấy năng lực của mình không đảm đương được thì xin làm chức nhỏ hơn

Tại cuộc họp, khi nghe các đơn vị báo cáo còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài chưa được khắc phục triệt để trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải ngân vốn đầu tư công..., ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - yêu cầu, các lãnh đạo sở, ban, ngành phải quyết tâm, quyết liệt trong việc thực hiện các nghị quyết, các dự án trọng điểm của thành phố.

Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thường trực, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Phạm Tâm).

Ông Hiểu cho rằng: "Cái khó nhất là không có chủ trương, không có nguồn vốn. Còn những vấn đề HĐND, Ban Thường vụ đã thông qua, đã có vốn rồi thì cơ quan nào làm chủ đầu tư gói nào, trong thẩm quyền của mình, phải xử lý.

Tôi đề nghị cấp trên được báo cáo trong vòng 30 ngày phải giải quyết, nếu không giải quyết được thì phải báo cáo cấp trên nữa. Mình la cấp dưới thì phải soi lại mình làm đã đúng trách nhiệm chưa? Mình phải sòng phẳng thì công việc mới nhanh", ông Hiểu nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của Ban quản lý ODA Cần Thơ: "Tôi thấy từ năm 2016 tới giờ vốn vay và vốn đối ứng chỉ hơn 7.000 tỷ đồng nhưng tới bây giờ 7 năm rồi Ban quản lý ODA vẫn còn hơn 4.000 tỷ đồng chưa giải ngân được, lỡ Ban ODA có 20.000 tỷ thì các đồng chí sẽ giải ngân kiểu gì? Khi các đồng chí về hưu có giải ngân xong chưa? Thậm chí, những công trình đã làm rồi cũng chưa có công trình nào bàn giao cho địa phương. Tôi đề nghị Ban ODA tự kiểm điểm mình đi!".

Ông Hiểu cũng đề nghị UBND TP giao trách nhiệm quy định rõ ràng với các chủ đầu tư: Ai công việc gì, làm trong bao lâu.

"Các đồng chí nhận nhiệm vụ thì phải làm, nếu khó khăn thì báo cáo. Còn thấy năng lực của mình không đảm đương được thì xin làm chức nhỏ hơn, nên sòng phẳng. Ông bà ta nói đúng: "Người siêng năng tìm biện pháp, người lười biếng tìm lý do". Tôi mong các đồng chí tìm biện pháp, ráng làm để đẩy nhanh các công trình để mỗi lần đi họp không thấy mắc cỡ với các địa phương khác và cảm thấy không nợ nhân dân mình", ông Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh.

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP