Thủ tướng đang trăn trở rất nhiều về Chính phủ kiến tạo, về câu chuyện dùng người tài, người nhà. Ông Lê Doãn Hợp chia sẻ gì với những trăn trở đó? Ông có nghĩ có nhiều thứ ở khu vực tư nhân mà khu vực NN có thể học được?
- Ông Lê Doãn Hợp: Từ những năm 1990, khi còn là Phó bí thư TP Vinh (Nghệ An), tôi đã tin kinh tế tư nhân giúp phát triển bền vững, thành động lực cho phát triển đất nước.
- Ông Lê Doãn Hợp: Từ những năm 1990, khi còn là Phó bí thư TP Vinh (Nghệ An), tôi đã tin kinh tế tư nhân giúp phát triển bền vững, thành động lực cho phát triển đất nước.
Nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp và Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Khi còn làm lãnh đạo, tôi đã đi nhiều, nhất là đến các xã, phường, thị trấn (500 đơn vị), tiếp đó là doanh nghiệp, rồi đến các trường đào tạo.
Tôi đã đi thăm nhiều doanh nghiệp trên thế giới, tới một số trường đào tạo danh giá của thế giới. Đi, hiểu để có bài học cải tạo kinh tế nhà nước, cải tạo tư duy của người quản lý nhà nước.
Theo tôi, kinh tế tư nhân khác kinh tế nhà nước ở chỗ, chọn người để làm mục tiêu. Anh làm đúng mục tiêu của tôi coi như đó là người giỏi nhất. Tôi phải trả lương, trả bao nhiêu là quyền của tôi.
Bên cạnh đó, những người tài là người không tròn trĩnh lắm, mà có cá tính. Anh có thể tự đứng mà chẳng cần có quan hệ với người này, người kia, anh cần được tôn trọng.
Họ có khát vọng làm giàu, không chỉ cho bản thân mà để giúp những người nghèo.
Tôn trọng nhân tài có 4 yếu tố, trước hết là niềm tin.
Thứ 2, được ứng xử văn hóa, được tôn trọng, được làm hết đà mà không phải đối phó. Ở khu vực nhà nước có khi anh làm mạnh thì lại bảo muốn lấn lướt. Cho nên có những người tài trong nhà nước cứ cò cưa, không dám làm. Nhất là khi người lãnh đạo mà không hơn cấp dưới thì cấp dưới chỉ muốn đi.
Thứ 3 mới đến lợi ích.
Cuối cùng, khi người đứng đầu đã tôn trọng người này thì cả bộ máy người ta tôn trọng. Ở khu vực nhà nước, có thể anh được người đứng đầu tôn trọng nhưng chưa chắc người khác đã tôn trọng. Được tôn trọng vì hiệu quả, vì sự nghiệp công ty, đó mới là sự tôn trọng vô giá.
Cơ chế nhà nước mình hiện nay làm cho người tài giảm dần. Họ ra làm chỗ khác, cũng là cống hiến cho đất nước, có khi còn tốt hơn. Nhưng càng ngày càng giảm thì nhà nước mới có bài học để cải tổ.
Khu vực nhà nước là nơi ra quyết sách, nếu giảm số người tài thì cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu vực tư nhân?
- Ông Huỳnh Văn Thòn: Theo tôi, cái gì cũng có tính tương đối, thực ra, hai bên như là bình thông nhau.
Ông Huỳnh Văn Thòn (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Khu vực tư nhân sẽ là tấm gương, áp lực, là bài học buộc khu vực nhà nước tự phải sửa.
Sửa phải bắt đầu từ thể chế, vì nếu chỉ hô hào, sửa cái râu ria mà bản chất vẫn y như vậy thì người ta sẽ mất niềm tin.
Tôi đã từng được tạo cơ chế để được làm theo ý mình mà không sợ khó, sợ khổ và đã có được những kết quả tốt.
Ở chúng tôi, cơ chế rất rõ ràng: thứ nhất, đề bạt theo ý mình; thứ hai là cách chức theo ý mình; thứ ba, trả lương theo ý mình.
Chỉ sửa 3 cái đó thôi là thay đổi hoàn toàn, tốc độ tăng trưởng gấp 3, 4 lần.
Về những khát vọng, sự công bằng ở khu vực kinh tế tư nhân, ông có chia sẻ gì?
- Ông Lê Doãn Hợp: Cái hay của kinh tế tư nhân, đó là trả lương không ai biết. Anh làm được 10 việc trả lương 10 triệu, anh làm được 3 việc chỉ trả 3 triệu thôi, đó chính là công bằng. Nếu cào bằng thì thực ra là bóc lột người giỏi để bù đắp cho người lười.
- Ông Huỳnh Văn Thòn: Anh Hợp rất hiểu cơ chế nhà nước và phát hiện rất chính xác.
Một là, cũng con người đó tại sao trong nhà nước thì không làm được, đó là do cơ chế.
Hai là, giống như xe chạy không có xăng, không có động lực thì sao làm được.
Trong môi trường làm việc với số lượng người lớn, chúng tôi xác định muốn tiến xa phải có đội hình, phải đi cùng với nhau, phải hòa nhập văn hóa mới đi được.
Tôi luôn suy nghĩ làm sao phải thu hút nhân tài, giữ được người tài đến chứ đừng đi. Làm sao để mọi người phát huy hết năng lực, có điều kiện cống hiến, phát triển và cảm thấy hạnh phúc.
Theo tôi, mục tiêu lớn nhất thu hút được người tài chính là trân trọng khát vọng của họ, tạo điều kiện tốt nhất để họ thực hiện khát vọng.
Ở chỗ chúng tôi, có những người là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, họ đến với chúng tôi và chúng tôi đã đón nhận. Trước hết, là anh còn sức khỏe, thứ nữa là anh có khát vọng và kinh nghiệm.
Ảnh: Phong Doanh
Nhiều người đến với chúng tôi, họ nói thẳng đến không phải vì tiền. Chúng tôi biết đặt họ đúng chỗ. Chúng tôi cho mọi người tự đề xuất vị trí, tự tính toán khả năng của mình, để ở đó phát huy được tốt nhất khả năng. Có nghĩa là tập đoàn cũng lợi, mọi người cũng có lợi.
Cái đó phải được xây dựng thành văn hóa, có mô tả công việc, có cách đánh giá thang điểm, công cụ đánh giá mức độ hoàn thành công việc, cũng như cách đo lường được năng khiếu, khả năng, kỹ năng của từng người. Đối với chúng tôi, chỉ cần 80% chính xác là thắng lợi rồi.
Tác giả bài viết: Thu Thủy - Vân Anh