"Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao, khi mà tỷ lệ người dân sử dụng Facebook cao nhưng không thể sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt dù đều dựa trên Internet", ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí đặt vấn đề như vậy ở một hội thảo do Ngân hàng Nhà nước và báo Nông thôn Ngày nay tổ chức sáng 28/9.
"Tại Trung Quốc, từ những người hàng rong đến bán hàng nhỏ lẻ đều sử dụng thanh toán qua Internet, tại sao Việt Nam không làm được như thế", ông Lợi đặt câu hỏi.
Một chuỗi ATM được đặt trên đường phố Hà Nội. Thẻ thanh toán hiện được người dân Việt Nam dùng chủ yếu cho việc rút tiền. Ảnh: Thanh Hải |
Trả lời vấn đề này, một trong những lý do được các chuyên gia nêu chính là thói quen dùng tiền mặt của người dân, đặc biệt tại các khu vực nông thôn.
Ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Hội nông dân Việt Nam dẫn một loạt số liệu: "40% dân số Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày bằng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền", ông Phạm Tiến Nam nói. Những số liệu này theo ông cho thấy mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt sẽ còn rất nhiều thách thức.
Việc nộp thuế điện tử được triển khai từ năm 2014 với 95% doanh nghiệp đã đăng ký, thu thực tế từ kênh này cũng tăng từ 55% lên 70% tiền nộp vào Ngân sách. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý thích nộp trực tiếp hơn là qua tài khoản và tới hạn cuối mới đi nộp.
Tương tự, với thu tiền điện, chủ trương có từ lâu nhưng theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực, đến nay mới chỉ có trên 4,5 triệu khách hàng thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, chiếm chưa tới 20% số khách hàng sử dụng điện.
Riêng với những khu vực như nông thôn, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Tương tự với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn với các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, tỷ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn.
"Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của người dân cho nên việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn", ông Nam nhận xét.
Ngoài ra, ông Nam cho rằng tiền mặt giúp bảo đảm riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân nên càng được nhiều người ưa thích.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt một số thành tựu, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Sắp tới, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh các chương trình giáo dục tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng và giảm thiểu chi phí xã hội.
Phó thống đốc nhấn mạnh, trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ người dân tuổi từ 15 trở lên có tài khoản ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020 và tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt giảm xuống dưới 10%.
Tác giả: Minh Sơn
Nguồn tin: Báo VnExpress