Kinh tế

Người Việt sắp được mua trứng gà công nghệ Nhật Bản

Doanh nghiệp Việt đã hợp tác với tập đoàn của Nhật Bản về chuyển giao công nghệ, phát triển trang trại, nhà máy sản xuất, chế biến trứng gia cầm.

Hội nghị thượng đỉnh về trứng năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp Bangladesh và 120 doanh nghiệp, đến từ 30 quốc gia trên thế giới gồm các doanh nghiệp, tập đoàn chuyên sản xuất, kinh doanh trứng gà.

Các thành viên ngành công nghiệp gia cầm chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống sản xuất trứng hiện đại công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nâng cao sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng. Các khâu sản xuất trứng được xử lý khép kín từ chăn nuôi gà mái và gà đẻ trứng đến sản xuất, đóng gói và giao hàng trứng được thực hiện hoàn toàn tự động, “tuyệt đối không tiếp xúc với bàn tay con người”.

Một thương hiệu trứng của Nhật Bản được giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh ngành trứng 2017 tại Hà Nội. Ảnh: NT

Hiện trên thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp lớn tham gia vào sản xuất mặt hàng này chủ yếu có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm tổng cộng trên 50% thị phần. Tuy nhiên, mô hình sản xuất chủ yếu của các doanh nghiệp này vẫn là liên kết với các hộ gia đình để đặt hàng, cung cấp con giống, thu mua... chưa thực sự có đầu tư về dài hạn tại địa phương như đầu tư nhà máy hay chuyển giao công nghệ.

"Thực tế này khiến thị trường trong nước đứng trước nhiều rủi ro bị thao túng về giá cả cũng như chất lượng của sản phẩm tiêu thụ chưa đảm bảo an toàn về mầm bệnh, dư lượng kháng sinh, dẫn đến thiệt hại cho hộ sản xuất nhỏ lẻ và người tiêu dùng...", bà Đào Tú Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ĐTK cho hay.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi quy mô lớn và hệ thống xử lý, đóng gói trứng là Công ty TNHH Ba Huân và Công ty cổ phần Tập Đoàn Dabaco. Tuy nhiên, hệ thống của hai doanh nghiệp này cũng mới đi vào sản xuất từ các năm 2012 và 2014. Cả Ba Huân và Dabaco vẫn đang tiếp tục đầu tư để đồng bộ hệ thống trang thiết bị nhằm cải thiện công nghệ và hiệu quả vận hành.

Các đơn vị còn lại hầu hết mới chỉ dừng ở việc nhập khẩu và lắp đặt dây chuyền xử lý (làm sạch vỏ, khử trùng ozon, kiểm tra nứt vỡ, phân loại cân nặng) và đóng gói trứng. Do đó, những doanh nghiệp này vẫn phải phụ thuộc nguồn trứng thu mua từ các hộ gia đình, trang trại liên kết và chưa chủ động kiểm soát được chất lượng trứng đầu vào.

Đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia tại hội nghị nhận định thị trường trứng Việt Nam đang trong xu hướng tăng trưởng về sản lượng (gà đẻ và trứng) cũng như chuyển dịch cơ cấu từ chăn nuôi hộ gia đình sang chăn nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, bình quân tiêu thụ trứng trên đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 89 quả năm 2014, ở mức thấp so với thế giới và ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Chính phủ, mức tiêu thụ này sẽ đạt 140 quả vào năm 2020.

"Với việc các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước khu vực đang được đàm phán và ký kết trong thời gian qua, trứng gà Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường. Nhập khẩu trứng vào Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lượng cung trên thị trường do trứng gia cầm là một trong các hàng hóa được bảo hộ theo các đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và được nhập khẩu theo chế độ hạn ngạch với mức hạn ngạch thấp so với quy mô thị trường hiện nay", lãnh đạo ĐTK nhận định.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp cũng xúc tiến hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp. Tập đoàn ISE Foods (Nhật Bản) có lịch sử hơn 100 năm đã ký hợp đồng liên doanh với ĐTK - đối tác đầu tiên 100% vốn Việt Nam nhằm chuyển giao công nghệ, phát triển trang trại sản xuất giống và các nhà máy sản xuất, chế biến trứng gia cầm. 2 đơn vị cũng thỏa thuận sẽ mở rộng các trang trại trồng ngũ cốc và thực vật có quy mô rộng 580ha để cung cấp thức ăn chăn nuôi.

Với công nghệ này, sản phẩm trứng có quy trình khép kín, từ sản xuất nguyên liệu thức ăn đầu vào, chăn nuôi gà hậu bị, chăm sóc gà thương phẩm, xử lý môi trường, đến thu gom, xử lý, đóng gói trứng thành phẩm ở quy mô lớn và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng trong từng khâu sản xuất. Hệ thống sản xuất này cho công suất lớn, khoảng 12 triệu quả trứng mỗi ngày.

Tại hội nghị, Chủ tịch của Tập đoàn ISE Foods, ông Mobuhiko Ise cũng cho biết, ngoài hợp tác đầu tư, đơn vị này còn có chính sách hỗ trợ Việt Nam khoảng 100-200 suất đào tạo về công nghệ sản xuất trứng gà theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho các thanh niên Việt Nam, trong đó đặc biệt ưu tiên vùng nông thôn. ISE Foods sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí cho chương trình học tập của các kỹ thuật viên trong quá trình đào tạo.

Tác giả: Ngọc Tuyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP