Giáo dục

Người thầy thắp lửa từ trái tim để đưa những “chuyến đò”

Thầy Lê Văn Trường, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng đã vượt qua khó khăn do thị lực kém để làm tốt công việc “đưa đò”.

Tiết Văn tại lớp 6E Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, bài học về từ đồng âm, thầy giáo Lê Văn Trường kể câu chuyện có anh chàng láu cá sang nhà hàng xóm mượn chiếc vạc đồng. Hôm sau, anh ta đem trả con vạc đồng có giá trị thấp hơn nhiều.

Khi hàng xóm thắc mắc, mượn cái “vạc đồng”, sao lại trả con “vạc đồng”, anh chàng láu cá liền chối phắt rồi bảo "mượn gì trả đó". Sau đó, hàng xóm thưa kiện lên quan huyện, quan phán anh chàng láu cá thua kiện. Không những phải trả lại chiếc vạc đồng, chàng ta còn mất luôn con vạc đồng.

Vừa giảng bài, thầy giáo Lê Văn Trường vừa dò dẫm những bước chân tới tận các bàn hỏi từng em có gì chưa hiểu và giải thích cặn kẽ, dùng các ví dụ để minh họa đối với thắc mắc của mỗi em.

Thầy Lê Văn Trường, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng trong giờ lên lớp môn Văn (Ảnh: Sinh Phạm).

Kết thúc tiết học, em Trần Hoàng Anh, học sinh lớp 6E Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết, mỗi tiết học của thầy Trường đều đưa ra các câu chuyện, ví dụ minh họa sống động, dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, thầy không bắt học sinh học thuộc bài theo kiểu “học vẹt”, mà khơi gợi, khuyến khích sự sáng tạo.

“Thương thầy mắt kém, chúng em ai cũng cố gắng ngoan ngoãn, chăm học để thầy khỏi buồn phiền. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 này, em tặng thầy bó hoa tươi thắm và những điểm số cao trong kỳ thi giữa kỳ vừa qua”, em Trần Hoàng Anh chia sẻ.

Trò chuyện với Người Đưa Tin, thầy giáo Lê Văn Trường tâm sự, từ năm lớp 9, anh thấy mắt cứ mờ dần. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố. Gia đình đưa đi chạy chữa ở nhiều nơi, gặp nhiều bác sĩ giỏi, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Theo lời khuyên của các bác sĩ, bố mẹ cho anh dùng thuốc định kỳ để hạn chế bệnh trở nặng. Đồng thời, động viên cậu con trai vượt qua những khó khăn, mặc cảm có thêm nghị lực “sống chung với bệnh”.

“Thú thật, thời gian đầu tôi buồn ghê gớm bởi các bác sĩ bảo, thị lực sẽ giảm dần đến khi không còn nhìn thấy gì. Tuy nhiên, tôi vẫn nỗ lực để thi đỗ và tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (nay là Trường đại học Hải Phòng). Bởi làm nghề giáo viên là ước mơ từ thuở tấm bé. Khi còn nhỏ, trò chơi tôi thích nhất là cùng các bạn giả làm lớp học, còn mình làm thầy giáo”, thầy giáo Trường tâm sự.

Do mắt kém không thể đọc giáo án và viết lên bảng, thầy giáo Lê Văn Trường cố gắng nắm vững nội dung bài giảng trước khi lên lớp (Ảnh: Sinh Phạm).

Sau 2 năm theo “nghề đưa đò”, thị lực của thầy Trường giảm xuống còn chưa đến 2/10. Khi đó, quãng đường từ nhà đến trường hơn 3 cây số cũng là trở ngại lớn. Ai cũng thương khi thấy cảnh thầy vừa lọc cọc đạp xe, vừa bấm còi inh ỏi dù đã đi vào sát lề đường. Bởi trước mắt thầy tất cả hình ảnh đều mờ mờ, ảo ảo, có khi toàn màu trắng xóa. Chỉ ngày mưa hay lúc rất vội vàng, thầy mới nhờ vợ, sau khi con lớn nhờ con, đưa đến trường.

Thị lực giảm sút khiến sinh hoạt hằng ngày của thầy Trường cũng gặp nhiều khó khăn. “Đến giờ, tôi đã quen tự mình làm tất tần tật công việc hằng ngày. Không những thế, tôi còn thường xuyên phụ giúp vợ nấu cơm. Ai cũng khen cơm dẻo, canh ngọt”, thầy Trường hóm hỉnh.

Khó khăn lớn nhất đối với thầy Trường những giờ lên lớp, anh hầu như không thể viết bài giảng trên bảng hay đọc giáo án. Thậm chí, mỗi khi mắt mờ, mắt mỏi, cũng không thể đọc và chấm bài.

Để bảo đảm dạy tốt, thầy Trường đã tìm cách vượt qua khó khăn. Trước mỗi tiết học, anh đều cố gắng nhớ nội dung bài giảng, tìm những câu chuyện phù hợp với nội dung bài giảng và lứa tuổi học trò làm ví dụ minh họa giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Việc chấm bài, anh nhờ vợ (cũng là giáo viên), đọc kỹ vài ba lần. Khi mắt đỡ mỏi, đọc lại để có sự đánh giá chính xác, công tâm về bài viết của các em.

Mái trường THCS mang tên Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng (Ảnh: Sinh Phạm).

Thầy giáo Đặng Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết, không chỉ đảm nhận nhiệm vụ giáo viên bộ môn, thầy Trường còn được giao làm chủ nhiệm lớp 6E. Từ đầu năm học đến nay, thầy Trường làm rất tốt công việc của mình.

Năm học 2022-2023 vừa qua, lớp 8E và lớp 8A do thầy Trường làm chủ nhiệm thuộc top đầu huyện Vĩnh Bảo về khảo sát chất lượng cuối năm học. Năm 2017, thầy Trường đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi Văn Tp.Hải Phòng. Năm học 2023-2024 này, nghiên cứu khoa học với đề tài “Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học lĩnh vực kỹ thuật môi trường” của thầy Trường đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Bảo chọn dự thi cấp thành phố.

“Vượt qua khó khăn do thị lực kém, thầy Trường vươn lên trở thành giáo viên dạy giỏi. Đồng thời, sống hòa đồng với đồng nghiệp trong trường, năng nổ tham gia công tác xã hội. Mọi người trong trường nói vui thầy là “báu vật” của mái trường mang tên Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Thầy giáo Đặng Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thông tin.

Nói về tấm gương vượt khó vươn lên trở thành giáo viên dạy giỏi, mẫu mực, chị Trần Thị Cúc - Chi hội trưởng Chi hội Cha mẹ học sinh lớp 6E Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, tâm sự: “Mặc dù ông trời lấy đi ánh sáng trong đôi mắt của thầy Trường, nhưng lại ban cho thầy trái tim nhân hậu, sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề. Nhất là tình yêu bao la đối với học trò. Vì thế, các bậc cha mẹ học sinh rất yên tâm khi gửi con lên những “chuyến đò” do thầy Trường chở được soi sáng bằng ngọn lửa thắp lên từ trái tim”.

Tác giả: Ngô Quang Thái

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP