Xã hội

Người đàn ông bong da toàn thân, nhiễm độc nặng vì thuốc diệt cỏ

Bất cẩn trong lúc làm việc, người đàn ông đã để thuốc diệt cỏ đổ lên quần áo. Cơ thể có biểu hiện bị nhiễm độc nhưng ông không phát hiện ra mà vẫn tiếp tục công việc phun thuốc diệt cỏ trong thời gian dài cho đến khi phải nhập viện.

Bệnh nhân là ông N.H.T. (ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) vừa được phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, điều trị trong tình trạng nhiễm độc toàn thân. Ngày 9/4 thông tin từ BS Doãn Uyên Vy, phụ trách phòng khám cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bong tróc da toàn thân.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, ông T. là người được thuê phun thuốc diệt cỏ cho các cánh đồng, ruộng mía, vườn cây nên thường xuyên tiếp xúc với các loại thuốc diệt cỏ, thuốc diệt mầm.

Bệnh nhân bị lột da toàn thân sau thời gian dài tiếp xúc với thuốc diệt cỏ

Khoảng 2 tuần trước, ông đã pha trộn 3 loại thuốc diệt cỏ, diệt mầm lại với nhau để phun, trong đó một loại có tên khoa học là 2,4 D. Do bất cẩn khi làm việc trong ruộng mía, ông đã bị thuốc đổ vào quần áo. Cùng lúc đó thì trời đổ cơn mưa nên thuốc diệt cỏ đã khuếch tán khắp cơ thể, thấm qua da khiến ông bị nhiễm độc.

Một ngày sau khi bị thuốc diệt cỏ đổ vào người, ông T. phát hiện vùng da ở đầu gối bị đỏ. Tuy nhiên, ông cho rằng đó là biểu hiện bình thường nên vẫn tiếp tục đi phun thuốc 8 giờ mỗi ngày trong suốt 2 tuần tiếp theo.

Đến khi toàn thân nổi mẩn đỏ, bong tróc da, cơ thể mệt mỏi ông mới đến bệnh viện địa phương kiểm tra và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. BS Uyên Vy cho biết, tình trạng người bệnh gặp phải là những biểu hiện do tiếp xúc trong thời gian dài với thuốc diệt cỏ 2,4 D. Đây là một loại thuốc có tính axit nên da của bệnh nhân giống như bị rộp phỏng, dị ứng.

Vì mưu sinh, ông T. liên tục tiếp xúc với thuốc diệt cỏ đã khiến cơ thể bị nhiễm độc nặng

Bác sĩ cho biết người bệnh bị nhiễm độc khá nặng, lan ra toàn thân nên cần theo dõi, điều trị trong thời gian dài để có thể đánh giá hết tác động và có giải pháp xử lý hiệu quả nhất.

Từ trường hợp trên, BS Uyên Vy khuyến cáo cộng đồng: “Khi phun thuốc diệt cỏ, diệt mầm, người lao động cần mặc đồ bảo hộ thật kỹ. Cần để ý hướng gió khi phun để tránh bị thuốc bay vào người. Đặc biệt, nếu chẳng may bị thuốc đổ vào quần áo, phải đi tắm rửa, thay quần áo ngay”.

Sau khi tiếp xúc với hóa chất từ thuốc diệt cỏ, diệt mầm nếu xuất hiện các tình trạng bệnh lý bất thường trên da, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám, để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tác giả: Vân Sơn

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP