Giáo dục

Người dân bức xúc vì giá sách giáo khoa quá cao

Người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa và giá sách còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá sách những năm trước, ảnh hưởng đến nhiều gia đình

Ngày 2-8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tổ chức hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông 2018.

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì hội nghị

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường, băn khoăn khi chương trình giáo dục phổ thông của ta "có gì đó sai sai" so với thông lệ quốc tế, bởi chúng ta dùng một chương trình chưa qua thực nghiệm để áp dụng đại trà trên cả nước.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hóa và xã hội, chỉ ra bất cập khi xã hội hóa không đến nơi đến chốn, khiến xã hội hóa biến thành thương mại hóa. Từ đó hậu quả là xảy ra một số vụ án liên quan SGK vừa được phanh phui, trong đó có sự móc ngoặc giữa người có chức có quyền với người làm kinh doanh.

GS Trần Ngọc Đường (Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ, Pháp luật) đánh giá chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông triển khai nhiều năm nhưng còn lúng túng. Thực tế đầy trăn trở như phụ huynh xếp hàng từ 2-3 giờ sáng để giành phiếu cho con vào trường công lập.

Theo GS Đường, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ giáo dục kiến thức sang giáo dục về phẩm chất, năng lực của người học, song việc triển khai chủ trương này còn rất xa vời.

PGS-TS Nguyễn Gia Cầu (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển giáo dục) chia sẻ điều suy nghĩ nhiều nhất trong giáo dục là việc thực học, thực dạy trong đổi mới chương trình, SGK phổ thông 2018 chưa được chú trọng. Thực tế “học để thi, mở mắt ra là thi, chịu áp lực thi cử” và theo ông Cầu, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy và học.

Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu

Tại hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng áp lực thi cử còn nặng nề. “Bộ GD-ĐT nói chống bệnh thành tích trong thi cử nhưng ở dưới có chống đâu, vì ảnh hưởng đến bình bầu, thi đua. Bộ vừa rồi cố gắng lắm nhưng ở trên nói mà ở dưới không nghe vì bệnh thành tích” - bà Nguyễn Thị Doan nói.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp báo cáo tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 từ MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành.

Báo cáo cho biết có nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK dùng trong cơ sở GD-ĐT, nhưng thực tế vào đầu năm học một số trường học đưa danh mục bộ SGK có sự không rõ ràng giữa SGK và các tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; tình trạng giá SGK nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân.

Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ SGK khác nhau. Điều này sẽ phát sinh những bất cập gây lãng phí, tốn kém khi một bộ SGK không được sử dụng nhiều lần, gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.

Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung SGK môn Tiếng Việt vào lớp 1 còn nặng so với chương trình 2006, sự độc quyền dẫn đến lợi ích nhóm trong việc in ấn phát hành SGK và bán giá cao sẽ ảnh hưởng đến các hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc này sẽ tạo áp lực cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; nội dung sách giáo khoa lớp 1 (bộ Cánh Diều) có một số nội dung chưa phù hợp, còn sử dụng nhiều từ ngữ địa phương.

Báo cáo của MTTQ Việt Nam cho rằng việc đổi mới, đánh giá chất lượng giáo dục một số nơi còn mang nặng hình thức hơn chất lượng, gây nhiều áp lực cho học sinh và giáo viên; vẫn còn tình trạng tổ chức nhiều kỳ thi gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân. Việc giảng dạy nhiều bộ sách dẫn đến khó khăn trong công tác đánh giá chất lượng qua các kỳ thi chuyển cấp, thi học sinh giỏi.

Về xã hội hóa biên soạn SGK, nhiều ý kiến cho rằng việc có nhiều đơn vị tham gia biên soạn, phát hành nhiều bộ SGK gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh lựa chọn bộ sách theo yêu cầu của nhà trường.

Người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành SGK và giá sách còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá sách những năm trước, nên ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Báo cáo của MTTQ Việt Nam, nhân dân bức xúc trước vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT đẩy giá SGK lên quá cao gây khó khăn cho nhiều gia đình có con em đang trong độ tuổi đi học, làm bức xúc trong dư luận.

Tác giả: Văn Duẩn

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP