Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê. Sau khi kết hôn, tôi theo chân anh trai lên Sơn La làm xây dựng.
Công việc ban đầu của tôi là quản lý đội thợ cho anh. Khi đã quen việc và xây dựng được các mối quan hệ riêng, tôi tự tách ra và thành lập một công ty nhỏ.
Công ty của tôi đóng trên địa bàn Sơn La nhưng nhận công trình ở khắp các tỉnh miền núi phía bắc. Vì vậy, tôi đi suốt.
Ảnh: Shutterstock |
Ở quê, sau khi vợ tôi sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái) tôi khuyên cô ấy nên bỏ nghề nông, tập chung chăm sóc bố mẹ chồng, dạy dỗ các con. Tôi sẽ lo kinh tế nuôi cả nhà.
Vợ tôi đồng ý và làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Bao nhiêu lần về quê, chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ than phiền về nàng dâu. Các con của tôi cũng liên tục đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Vì vậy, tôi rất tự hào và tin tưởng vợ mình. Làm được bao nhiêu tiền, tôi gói gém gửi hết về cho vợ. Được cái vợ tôi sống tiết kiệm lại biết lo lắng cho tương lai. Khi các con tôi dựng vợ gả chồng, mỗi đứa đều được chia một căn nhà Hà Nội.
Cuộc sống của chúng ổn định thì tôi nghỉ hưu về quê.
Tuy nhiên, khi tôi vừa về quê được nửa năm thì có một việc xảy ra khiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn hoàn toàn.
Một người phụ nữ khoảng 30 tuổi đã dẫn theo con trai đến nhà tôi và nói với vợ chồng tôi rằng, nó là con của tôi. Cô ấy muốn tôi phải chịu trách nhiệm với cô ấy và đứa con trong suốt phần đời còn lại.
Vợ tôi nghe chuyện, không để cho tôi lên tiếng đã đuổi 2 mẹ con kia ra khỏi làng. Sau đó, cô ấy đay nghiến và truy tôi tới cùng sự việc.
Tôi đành thú nhận, tôi đã lầm lỡ và có quan hệ với người phụ nữ đó chục năm trước, khi tôi còn làm công trình ở Lai Châu. Tuy nhiên, tôi không hề biết cô ấy đã có con với tôi...
Không ngờ, sau lời thú nhận, vợ tôi gọi tất cả các con về và tuyên bố từ mặt tôi, đuổi tôi ra khỏi nhà.
Trước mặt các con, tôi đã nói lời xin lỗi, mong vợ và các con tha thứ cho lỗi lầm của tôi. Thế nhưng, đau lòng thay, các con tôi cũng không chấp nhận.
Chúng đón mẹ lên Hà Nội và để tôi sống ở nhà một mình với mẹ già (bố tôi đã mất trước đó nhiều năm - nv).
Tháng 7 năm ngoái, mẹ tôi mất, tôi đã bỏ qua sĩ diện, điện thoại cho vợ và các con về chịu tang. Tuy nhiên, vợ tôi không xuất hiện.
Cô ấy nói với tôi, cô ấy và tôi không còn bất cứ liên quan nào. Vì vậy, dù có chuyện gì xảy ra cũng đừng nhắc đến tên cô ấy.
Các con tôi về chịu tang bà nội nhưng đám tang vừa xong thì chúng yêu cầu tôi làm thủ tục sang tên đổi chủ cho 2 căn nhà Hà Nội mà tôi đang đứng tên.
Tôi không đồng ý. Tôi nói, khi nào tôi qua đời, tôi sẽ di chúc để lại…
Các con nghe vậy thì tức giận. Chúng nói tôi tệ bạc và 2 năm nay, chúng không hề về quê, cũng không hề hỏi tôi một câu.
Tôi ở một mình trong căn nhà nhỏ. Cảm giác buồn tủi nhưng cũng giận dữ vô cùng.
Có phải tôi làm như vậy là quá bạc ác nên bây giờ phải chịu hậu quả?
Tác giả: Đ.Thành
Nguồn tin: Báo VietNamNet