Kinh tế

Ngoại giao kinh tế mang lại nhiều kết quả thực chất

Ngoại giao kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại nhiều kết quả thực chất trong năm 2024, song dư địa phát triển còn nhiều, cần có bước đột phá

Chiều tối 20-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng.

Ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác

Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành; các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, ngoại giao kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng tới Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Ả Rập Saudi, Hungary, Romania, Cộng hòa Dominica; thăm và làm việc tại Trung Quốc, Nga... Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp diễn ra các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á. Cùng với đó là đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác; tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống; triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng như khu vực Mỹ Latin, Trung Đông - châu Phi, Trung - Đông Âu, qua đó thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các đối tác quan trọng.

Công tác ngoại giao cũng đã phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển. Đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước. Tích cực thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao, đóng góp hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược; tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Còn nhiều dư địa phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2024, ngoại giao kinh tế thu được nhiều kết quả quan trọng. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đạt 15/15 chỉ tiêu, đặc biệt là đạt mức tăng trưởng trên 7%, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ nhiều kết quả chưa đạt được như kỳ vọng, dư địa phát triển vẫn còn nhiều và có thể làm tốt hơn nữa. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình, nghiên cứu các giải pháp phù hợp và mạnh dạn đề xuất điểm đột phá để tăng tốc phát triển trong thời gian tới và kéo bạn bè quốc tế đầu tư nhiều hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định lấy nguồn lực bên trong là nguồn lực cơ bản, chiến lược lâu dài nhưng nguồn lực bên ngoài vẫn là quan trọng, đột phá. Phải tăng cường chuyển giao công nghệ; đột phá về thể chế kinh tế thị trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, đổi mới sáng tạo và quản trị thông minh.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ 3 đột phá cần đẩy mạnh. Thứ nhất, tạo môi trường đầu tư thông thoáng về cơ chế, chính sách, giảm chi phí tuân thủ, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển. Thứ hai, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực để tăng cạnh tranh, tăng năng suất lao động.

Tác giả: Dương Ngọc

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP