Pháp luật

Ngỡ ngàng trước vụ 'khủng bố' giữa đêm ở Dầu Giây

Gia đình người đăng hình ảnh 2 đối tượng hành hung và truy đuổi phóng viên gần trạm BOT Trảng Bom lên mạng xã hội đã bị khủng bố trước sự ngỡ ngàng cùng lo sợ của nhiều người

Liên quan vụ phóng viên Nguyễn Văn Tuấn của Báo Người Lao Động bị hành hung khi đang tác nghiệp gần trạm BOT Trảng Bom (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) mà báo chí liên tục thông tin những ngày qua, trong lúc bản chất vụ việc, động cơ, hành vi của các đối tượng chưa được làm rõ thì mới đây, nhà ông Phạm Xuân Th. (ngụ tại thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - người đăng hình 2 đối tượng đánh phóng viên lên mạng xã hội) đã bị khủng bố.

Mắm tôm, đất đá "bay" vào nhà

Theo ông Phạm Xuân Th., khoảng hơn 23 giờ ngày 8-3, khi vợ chồng ông đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ bị đánh thức bởi những tiếng động lớn phía trước nhà. Chạy ra mở cửa kiểm tra thì tá hỏa khi thấy giữa nền phía trước nhà loang lổ chất bẩn và đất đá, mùi mắm tôm xộc lên. "Vợ tôi gần như ngất xỉu tại chỗ" - ông Th. thuật lại.

Ngay sau đó, ông Th. gọi điện trình báo Công an thị trấn Dầu Giây và lực lượng công an địa phương đã đến hiện trường, lập biên bản ghi nhận vụ việc. Bà con hàng xóm sau đó phụ ông Th. dùng chất tẩy rửa lau chùi nhà cửa, tới gần 2 giờ sáng mới tạm hết mùi hôi. Tuy vậy, hiện những vết loang lổ vẫn bám phía trên cao trước cửa nhà không thể lau chùi hết được.

Nhà ông Phạm Xuân Th. bị ném sơn trộn mắm tôm, đất đá trong đêm. (Ảnh do người dân cung cấp)

Sau đó, ông Th. và hàng xóm trích xuất camera an ninh các nhà dân gần đó, đã ghi nhận cảnh có 2 xe máy chở 4 người, 2 người phía sau đầu trọc, lên cầu vượt Dầu Giây lúc hơn 23 giờ đêm 8-3. "Cả 2 xe máy đều đi ngược chiều ở Quốc lộ 1 để vòng lên cầu vượt Dầu Giây và đứng trên cầu ném đá, sơn trộn mắm tôm vào nhà tôi ở mặt tiền đường. Tôi nghi vụ việc liên quan việc tôi đã đăng hình ảnh 2 đối tượng đánh phóng viên Báo Người Lao Động mà người dân ghi lại được trước đó lên mạng xã hội" - ông Th. nghi vấn.

Theo ông Th., Công an thị trấn Dầu Giây đã mời ông lên làm việc để ghi nhận, lập hồ sơ vụ việc. "Khi làm việc, tôi cũng nói rõ nghi vấn của mình và đề nghị Công an thị trấn Dầu Giây trích xuất camera an ninh xung quanh khu vực để sớm làm rõ các đối tượng "khủng bố" nhà tôi" - ông Th. nói và cho hay ông rất lo cho sự an nguy của gia đình.

Liên tục bị đe dọa

Trước đó, liên quan vụ việc phóng viên Nguyễn Văn Tuấn trong lúc đang tác nghiệp tại khu vực BOT Trảng Bom thì bị 2 đối tượng hành hung, truy đuổi và một số người dân đã ghi lại được hình ảnh 2 đối tượng. Ông Th. vì quá bức xúc vụ việc nên đã chia sẻ thông tin lên trang Facebook cá nhân, đồng thời đăng tải clip và hình ảnh 2 đối tượng đánh phóng viên để công an vào cuộc truy tìm, xử lý, lập tức bị kẻ lạ mặt gọi điện thoại uy hiếp, yêu cầu gỡ hình ảnh, bài viết, nếu không sẽ cho người đến tận nhà "xử đẹp".

Hình nhóm đối tượng được trích từ camera nhà dân gần nhà ông Phạm Xuân Th. (Ảnh do người dân cung cấp)

"Suốt đêm 20-2, tôi liên tục bị gọi đe dọa như vậy, sau đó đối tượng còn gửi kèm một tấm hình xe đầu kéo container đậu trước nhà mẹ tôi, rồi tiếp tục gọi điện với lời lẽ hăm dọa nhiều hơn. Họ đe dọa yêu cầu gỡ bỏ bài viết, nguyên văn là "tôi nói anh nghe xe đầu kéo của tôi đậu trước nhà mẹ anh, anh có gỡ hình ảnh hồi chiều anh đăng lên Facebook không? Hình ở trạm vé có liên quan gì tới anh không? Nửa tiếng nữa gặp anh còn kịp, anh có gỡ xuống được không..." - ông Th. kể.

Kiểm tra lại, quả thật có xe đầu kéo đậu phía mặt tiền nhà mẹ của ông Th. nên ông buộc phải gỡ hình ảnh 2 đối tượng khỏi trang mạng cá nhân. Tuy nhiên, những ngày sau đó, ông Th. vẫn tiếp tục chia sẻ đường link những bài viết của Báo Người Lao Động liên quan vụ việc trên trang Facebook cá nhân của mình. Ông Th. sau đó cũng thường xuyên hợp tác cùng cơ quan chức năng cũng như báo chí để nhằm nhanh chóng làm rõ vụ việc phóng viên bị đánh.

"Mẹ tôi già cả rồi, ở với anh trai, tôi rất lo nếu các đối tượng làm càn. Cách đây không lâu, trước nhà anh trai và mẹ tôi ở cũng bị đặt một bịch mắm tôm, chất bẩn hàm ý đe dọa. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt bảo vệ gia đình tôi và xử lý nghiêm những kẻ coi thường pháp luật. Mong cơ quan chức năng địa phương bảo vệ những người lên tiếng để giảm bớt tiêu cực và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn" - ông Th. mong muốn và đề nghị được bảo vệ.

Liên quan vụ việc, chiều 9-3, Công an thị trấn Dầu Giây cho biết ngay khi nhận tin báo của ông Th., công an thị trấn đã xuống ghi nhận thông tin ban đầu từ ông Th., thu thập các vật như đá, sơn trộn mắm tôm tại hiện trường. "Lúc chiều, chúng tôi cũng đã mời ông Th. lên làm việc để ghi nhận, lập hồ sơ vụ việc và báo cáo lên Công an huyện Thống Nhất" - đại diện lãnh đạo Công an thị trấn Dầu Giây nói và thông tin đang gấp rút trích xuất camera nhà dân, lần theo tung tích của các đối tượng liên quan.

Không thể không lo sợ!

Ngay sau khi hay tin nhà ông Phạm Xuân Th. bị ném mắm tôm, đất đá, ông Trần Đức Bài nhân vật trong nhiều bài viết của Báo Người Lao Động liên quan đến trạm BOT Trảng Bom - PV) đã lập tức gọi điện cho phóng viên bày tỏ sự lo sợ.

Ông Bài nói mẹ ông Th. đã ngoài 90 tuổi, đi lại bằng xe lăn, vậy mà các đối tượng còn dám dùng xe đầu kéo để "khủng bố" tinh thần, rồi để lại các bịch đen trước cửa. "Các đối tượng quá manh động" - ông Bài lo lắng cho gia đình ông Th. và cho cả gia đình mình.

Theo ông Bài, đến giờ này, Công an huyện Trảng Bom vẫn chưa có kết luận vụ phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung thì lại xảy ra việc người đăng hình 2 đối tượng đánh phóng viên bị khủng bố. "Tôi không dám khẳng định có sự trả thù liên quan đến việc đăng hình 2 đối tượng hành hung phóng viên gần trạm BOT Trảng Bom hay không, nhưng tôi nghĩ điều này không thể loại trừ" - ông Bài lo lắng. Bởi theo ông, giả sử 2 sự việc có liên quan thì ông cũng khó yên thân với bọn côn đồ. "Bây giờ, tôi chỉ mong công an sớm làm sáng tỏ cả 2 vụ việc thì nỗi lo sợ của ông Th. và bản thân tôi mới được giải tỏa" - ông Bài nói.

Liên quan vụ việc phóng viên bị hành hung và truy đuổi gần trạm BOT Trảng Bom, chiều 8-3, ông Nguyễn Văn Tuấn đã được Công an huyện Trảng Bom hướng dẫn đến Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai thực hiện chụp, chiếu giám định thương tích. Phía Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai cho biết trong tuần sẽ có kết quả cụ thể. "Một cán bộ điều tra cho hay do nhân sự của Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Trảng Bom ít mà công việc nhiều, địa bàn rộng nên từ lúc xảy ra vụ việc đến nay mới lên lịch đưa tôi đi giám định được. Phía công an cho biết sẽ cố gắng giải quyết sớm, nhanh và trách nhiệm nhất có thể nhưng phải phụ thuộc vào nhân lực đang có" - ông Nguyễn Văn Tuấn nói.

"Căn cứ điều 207 Bộ Luật Tố tụng hình sự, tôi đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom ra quyết định trưng cầu giám định tỉ lệ thương tích đối với tôi để làm căn cứ xử lý vụ án một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật" - ông Nguyễn Văn Tuấn viết trong đơn tố giác tội phạm gửi Công an huyện Trảng Bom, VKSND huyện Trảng Bom vào ngày 24-2.

Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP