Kinh tế

Nghịch lý giá nhà đắt gấp 24 lần thu nhập người Việt

Doanh nghiệp cho rằng thủ tục cấp phép xây dựng cứ kéo dài thêm một năm thì chi phí đội thêm 5% và khoản tiền này lại "dồn" hết cho người mua nhà.

Thực tế nêu trên được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp nêu lên tại hội thảo về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh ngày 11/8.

Góp ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn dụ thực tế về việc giá nhà hiện chênh lệch quá lớn so với thu nhập người dân. "Nếu ở các nước, bình quân giá nhà chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân thì ở Việt Nam, con số này lên tới 22-24 lần. Đó là nghịch lý và cũng là bi kịch", Tiến sĩ Doanh nói.

Vị này cũng cảnh báo 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng số người dân không có nhà tăng lên chóng mặt, trong khi quỹ đất, thu nhập có giới hạn…Việc này sẽ làm phát sinh hệ lụy lớn về mặt xã hội như tranh chấp, chiếm dụng đất đai, nhà ở... Vì thế, ông cho rằng cần làm rõ hiệu quả quản lý Nhà nước trên cơ sở giảm thiểu mức thấp nhất chi phí thời gian, thủ tục hành chính... đang đẩy chi phí, giá nhà tăng cao.

Doanh nghiệp cho rằng thủ tục cấp phép xây dựng, đầu tư dự án rườm rà đã đẩy chi phí, giá nhà lên cao.


Lý giải cụ thể hơn về nghịch lý giá nhà với tư cách "người trong cuộc", ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành nhớ lại giai đoạn cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp muốn xin giấy phép xây dựng hay đầu tư cho một dự án rất đơn giản. "Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, thủ tục không những được đơn giản hóa lại có chiều hướng nở thêm khiến doanh nghiệp chật vật", ông Đực nhận xét.

Vị này cũng bộc bạch hiện các thủ tục nêu trên đang trói buộc doanh nghiệp, và hệ quả cuối cùng sẽ là người dân, cụ thể là người mua nhà, phải gánh chịu. Theo tính toán của ông Đực, thủ tục cấp phép đầu tư dự án, xây dựng cứ kéo dài thêm một năm thì doanh nghiệp tăng thêm 5% chi phí. “Những khoản chi phí tăng thêm này “chạy” hết vào giá bán nhà. Đây là nghịch lý”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói và cho rằng hiện có nhiều thủ tục hành chính có thể cắt bỏ ngay, chuyển sang hậu kiểm như trước năm 2006. Việc này vừa tháo gỡ cho doanh nghiệp, vừa bớt khổ cho người dân…

Thừa nhận đúng là vẫn tồn tại “nhóm lợi ích, quyền anh, quyền tôi tại nhiều bộ, sở, ngành”, nhưng phát biểu dưới góc độ người làm công tác nghiên cứu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Đức Kiên cũng có những chia sẻ riêng về lý giải cho rằng doanh nghiệp bất động sản buộc phải tăng giá bán nhà do chịu chi phí thủ tục quá cao.

“Doanh nghiệp địa ốc là tầng lớp trung gian, chứ không phải đứng về phía người tiêu dùng”, ông Kiên nói thẳng. Do đó, khi nghiên cứu sửa đổi bất cứ điều luật nào, ông Kiên cho rằng phải nghiên cứu thực chất, đi tới cùng chứ không thể chỉ nhìn vào bề nổi. "Nhà nước phải điều tiết lợi nhuận chung, không thể chỉ nhắm mắt vào điều tiết cho một nhóm nào", vị này nêu quan điểm.

Đồng ý với quan điểm quản lý Nhà nước phải hiệu quả, song Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng quản lý dù ở cấp nào cũng phải theo trình tự, chứ không thể để xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị "hành". Ông lưu ý khi đã chắp bút nghiên cứu sửa luật thì phải theo hướng phục vụ và đề nghị cân nhắc, xem lại sự cần thiết của Luật Đầu tư.

Chia sẻ với nỗi băn khoăn và mong muốn "bao giờ cho tới ngày xưa" của ông Nguyễn Văn Đực, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng đương nhiệm của CIEM cho rằng bất kỳ chính sách nào có lợi cho doanh nghiệp, người dân thì phải khẩn trương sửa đổi ngay, không nên chờ đợi rồi mới “gom thành một thể”. Định hướng này được ông Cung đánh giá là phù hợp với tinh thần đổi mới, kiến tạo và quyết tâm xóa bỏ rào cản, cản đường mà Chính phủ nhiệm kỳ mới đang hướng tới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP