Làng Chuôn Ngọ thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một trong những làng nghề nổi tiếng về nghề khảm trai. Đến làng bạn sẽ cảm nhận được không khí của một làng nghề đang phát triển nhanh.
Chất liệu khảm thông thường được lấy từ trai, ốc. Trước tiên, người thợ xẻ ốc theo ba đường gân nổi của xương ốc, lọc bỏ lớp ngoài và lớp trong, lấy lớp tinh khiết ở giữa, sau đó mài nhẵn và ép phẳng, rồi dùng bàn là nóng làm phẳng.
Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ. Đầu tiên là phải vẽ mẫu tranh, sau đó lấy cưa chuyên dụng cắt mảnh ốc theo mẫu hoa văn định trước.
Chi tiết sóng nước vừa được cắt dũa. Để cắt và dũa chi tiết nhỏ và tinh xảo như thế này đòi hỏi tay nghề giỏi và sự tập trung cao độ của người thợ.
Các chi tiết cắt xong đươc ghép nổi tạm thời như tranh hoàn chỉnh trên gỗ. Người thợ sẽ lấy bút chì vẽ đường viền của các chi tiết gắn tạm trên mặt gỗ. Sau đó thợ khắc sẽ khắc lõm xuống gỗ sau khi bỏ vỏ trai ra. Phần khắc lõm sẽ được bôi keo rồi gắn các chi tiết vỏ trai sao cho bằng với mặt gỗ phẳng.
Người thợ dùng hai con dao để quét keo ở mặt gỗ lõm, rồi ấn những mảnh trai đã được cắt định hình âm xuống. Gỗ được chọn làm mặt tranh là gỗ gụ. Loại gỗ này khi đánh bóng sẽ có màu nâu trầm rất hòa hợp với màu trai, ốc. Sau khi vỏ trai được gắn xuống mặt gỗ, đến công đoạn tỉa chi tiết bằng dao chuyên dụng.
Nét nổi bật của tranh khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít. Chi tiết trang trí trên khảm trai rất sinh động, đặc sắc. Những mảnh trai vô tri, vô giác, qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú được gắn vào gỗ trở thành sản phẩm, có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao.
Khớp chi tiết cắt với bản vẽ.
Hình tượng phượng, một trong tứ linh.
Miếu thờ cụ tổ làng nghề là Trương Công Thành. Sử sách còn ghi cụ Trương từng làm Phó tướng cho Lý Thường Kiệt. Sau khi dẹp giặc xong cụ từ quan đi ngao du sơn thuỷ. Khi phát hiện những mảnh vỏ trai, ốc, xò trôi dạt vào bờ với màu sắc tự nhiên, cụ nảy sinh ý tưởng ghép thành các hoạ tiết hoa văn sinh động, dần dần phát triển thành nghề khảm ngày nay.
Nghề hiện đang được truyền lại từ đời nay qua đời khác theo phương pháp cầm tay chỉ việc.
Gà mẹ là một trong những mẫu mã có tính tìm tòi và làm mới từ truyền thống của nghệ nhân Nguyễn Đức Biết làng Chuôn Ngọ.
Tác giả bài viết: Lê Bích