Ngày 31/8, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) xả lũ với lưu lượng 4.200 m3/s. Đây là lượng nước xả lớn nhất sau 8 năm vận hành khiến hàng loạt nhà dân bị ngập, bị cuốn xuống sông Nậm Nơn. Sau 10 ngày, một số nhà đã di dời tới nơi cao hơn, nhưng nhiều gia đình vẫn ở tạm lều lán ven sông. |
Toàn xã Lượng Minh có 31 nhà dân bị sạt lở hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng vì lũ thủy điện, tập trung ở các bản Minh Phương, Côi, Lả và Sốp Mạt. Mực nước dâng cao ngập quốc lộ 7 và khiến cả xã bị cô lập 5 ngày. "Thủy điện nói xả lũ đúng quy trình, nhưng với lượng xả lớn như vậy thì dân hoàn toàn trở tay không kịp", Chủ tịch xã Vi Đình Phúc nói. Hàng trăm hộ dân Lượng Minh bị "kẹp" giữa hai "quả bom nước" là thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Nậm Nơn. Mỗi mùa lũ về dân lo nơm nớp. Năm 1973 có một trận lũ lớn nhưng nước cũng chưa dâng cao bằng thủy điện xả lũ đợt vừa rồi. |
Những phiến gỗ người dân thu lượm được từ ven sông khi nước rút được vứt chỏng chơ bên đường. Họ chờ thông báo về nơi tái định cư rồi sẽ chuyển gỗ để dựng nhà mới. |
Cậu bé chơi trên mảng bê tông từng là sân nhà mình. Ở các đoạn sạt lở, nhà chức trách cắm tạm biển, căng dây báo hiệu để các phương tiện đi lại trên quốc lộ 7 phòng tránh tai nạn. |
Chị Lương Thị Thái ở bản Minh Phương nhặt những thứ còn dùng được mang về lều. "Nước cuồn cuộn đổ về. Tôi chỉ kịp vơ vội vài bộ quần áo, rồi đưa mẹ già và con gái chạy lên đồi cao. Cả căn nhà bị cuốn trôi theo dòng lũ", chị nói. |
Một chiếc mẹt, nắp vung nồi hỏng là những đồ vật chị Thái nhặt nhạnh suốt buổi chiều. |
Chiếc đồng hồ sót lại trong đống đổ nát nhà chị Thái ở ven sông. |
Căn lều dựng tạm là nơi cư ngụ của mẹ con Thái và những người thân suốt 10 ngày qua. Từ hôm mất nhà, chưa đêm nào chị dám ngủ sâu. "Chỉ dám ngủ chập chờn thôi vì sợ trời mưa, nước lũ dâng lên lần nữa thì không kịp chạy", chị nói. |
Những người đàn ông khỏe mạnh trong bản chuyển chiếc tủ và đồ còn tạm lành lặn tới một chiếc lán ở trên đồi. |
Bé Tâm Nhi (6 tuổi, con gái của chị Thái) lấy nước vào chai. Đây là nguồn nước sạch duy nhất được người dân dùng để uống và nấu cơm. Việc tắm, giặt, họ vẫn sử dụng nước sông Nậm Nơn đục ngầu. |
Gia súc, gia cầm được tập trung dưới chân nhà sàn kiên cố của một cụm dân trong bản Minh Phương. Ngôi nhà duy nhất có điện của bản cũng là nơi trú ngụ của 16 người dân mất nhà suốt 10 ngày qua. |
Các gia đình là họ hàng, làng xóm tập trung ăn cơm dưới ánh điện ắc-quy. Lãnh đạo xã cho biết vẫn đang khảo sát điểm tái định cư cho người dân. Địa hình xã Lượng Minh chủ yếu là đồi núi, mặt bằng sinh hoạt ít nên việc tìm nơi ở mới cho người dân khá khó khăn. Trước đó từ ngày 29 đến 30/8, do tác động của vùng xoáy thấp, miền núi Nghệ An như huyện Kỳ Sơn, Tương Dương có mưa to, kết hợp lũ từ Lào đổ về khiến lũ thượng nguồn sông Cả lên nhanh. 9h30 sáng 31/8, lượng nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ đạt đỉnh 4.200 m3/s. Để bảo đảm an toàn cho công trình, nhà máy phải tăng lượng xả 4.200 m3/s. "Đây là mức xả lớn nhất kể từ lúc nhà máy đi vào vận hành (năm 2010)", ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc Nhà máy thủy điện Bản vẽ nói. |
Tác giả: Ngọc Thành - Hoàng Phương
Nguồn tin: Báo VnExpress