Kinh tế

Ngày Tết, dịch vụ đua nhau đội giá: Phụ thu hay chặt chém?

Như thành thông lệ, mỗi khi đến Tết Nguyên đán, hầu hết các dịch vụ ăn uống, đi lại đều tăng giá mạnh, nhiều nơi tăng giá gấp 2, gấp 3 lần bình thường.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện về một nhóm bạn trẻ đi uống cà phê và phải chịu phụ thu 5.000 đồng. Theo người chia sẻ, lý do mà cửa hàng phụ thu 5.000 đồng là do... ngày Tết không có nhân viên nên phải phụ thu thêm.

Ngay sau khi chia sẻ câu chuyện trên, cộng đồng mạng đã có nhiều phản ứng trái chiều. Đa phần cho rằng, việc cửa hàng cà phê phụ thu 5.000 đồng là điều có thể chấp nhận được trong thời điểm Tết Nguyên đán.

Cộng đồng mạng cho biết, phụ thu thêm 5.000 đồng là hợp lý.

Nhiều người giải thích, ngày Tết là ngày mọi người được quyền nghỉ ngơi sau 1 năm lao động vất vả. Trong trường hợp chủ cửa hàng bán xuyên Tết, tức là làm ngoài giờ, bỏ đi quyền lợi để phục vụ khách hàng. Như vậy, việc phụ thu thêm 1 khoản nho nhỏ là điều hoàn toàn hợp lý.

Bạn T.Danh cho rằng, đến người lao động, khi nghỉ Tết còn được thưởng Tết, huống chi người lao động làm xuyên Tết, họ có quyền được "thưởng" thêm phụ thu: "Với mình, mức phụ thu 5.000 đồng/hoá đơn là điều hợp lý".

Trên thực tế, ranh giới giới "phụ thu" và "chặt chém" rất mong manh. Ngày Tết, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá. Đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Theo khảo sát của PV báo điện tử VTC News vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch, các cửa hàng ăn uống, phục vụ xuyên Tết đã tăng giá gấp đôi, gấp 3 lần so với ngày bình thường.

Đơn cử, một bát rún riêu trong những ngày bình thường có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/bát, nhưng trong những ngày Tết, giá một bán bún riêu (tại cùng 1 cửa hàng) đã tăng lên 50.000 - 70.000 đồng/bát.

Dịch vụ ăn uống tại Hà Nội tăng giá mạnh.

Cá biệt, ở một số nơi tại khu vực quận Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, giá 1 bát bún riêu có thể lên tới 100.000 - 120.000 đồng/bát. Các cửa hàng giải thích, sở dĩ giá tăng là do nguyên phụ liệu tăng cao. Việc tăng giá nhằm bù lại chi phí đầu vào.

Không chỉ có dịch vụ ăn uống, rất nhiều dịch vụ khác cũng tranh thủ dịp Tết để tăng giá. Cụ thể, phí gửi xe máy - ô tô tại một số đình, chùa, các di tích tâm linh,... đã tăng gấp đôi từ 20.000 - 50.000 đồng/xe máy, tuỳ khu vực; giá gửi xe ô tô dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/ô tô.

Ngay cả dịch vụ sửa xe ngày Tết cũng tăng đột biến. Trong trường hợp thủng xăm, thay xăm xe máy, nếu ngày thường chỉ mất khoảng 20.000 - 30.000 đồng, thì đến Tết chi phí đã tăng lên 50.000 - 70.000 đồng/xe. Thậm chí, chỉ bơm lốp bình thường cũng đã chịu mức phí 10.000 đồng/lốp, đắt gấp 5 lần ngày thường (một địa điểm sửa xe tại Ngã Tư Sở, Hà Nội).

Một ví dụ khác chính là tăng giá bất hợp lý vé xe. Ngày 6/2 (mùng 2 Tết Nguyên đán), nhiều hãng xe khách đã hoạt động lại sau Tết và tăng "không phanh" khiến nhiều hành khách ngán ngẩm.

Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An, vé xe ở các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ... đi Hà Nội có giá 250.000 đồng/vé, giá vé ngày thường là 150.000 đồng. Cũng tại các huyện này, giá vé đi TP.HCM ngày thường có giá 650.000 đồng/vé, tuy nhiên, thời điểm này đã "đội" lên gần gấp 3 lần với giá 1,8 triệu đồng/vé.

Giá vé tăng gần gấp 3 lần những vẫn xảy ra tình trạng nhồi nhét, chở quá tải.

Một cư dân mạng bình luận, việc tăng giá, phụ thu ngày Tết là điều dễ hiểu, mọi người có thể thông cảm, nhưng tăng giá như thế nào, mức tăng ra sao thì cần phải hợp lý. Việc tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với ngày bình thường không phải là "phụ thu" mà là "chặt chém" ngày Tết.

"Ngày Tết, không ai muốn đôi co nên nhiều người thường nhắm mắt bỏ qua. Chính vì vậy, nhiều người đã lợi dùng điều này để tăng giá phí lý khiến cho ngày Tết trở nên xấu xí hẳn đi", một bình luận cho biết thêm.

Tác giả: Việt Vũ

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP