Xã hội

Ngày đầu tiên tăng giá viện phí: Sập sản nếu không có bảo hiểm y tế

Bắt đầu từ hôm nay, ngày 1-6, có khoảng 50 bệnh viện (BV) sẽ tăng giá viện phí với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, gần 2.000 dịch vụ y tế được quy định mức trần mới, tương đương với giá mà BHYT đang chi trả theo các hạng BV. PV CAND phản ánh thực tế tại một số bệnh viện...

Dễ bị “nghèo hóa” nếu không có BHYT

So với giá dịch vụ KCB hiện đang áp dụng cho những người không có BHYT, giá viện phí mới sẽ tăng tổng chi phí KCB của người không có thẻ BHYT khoảng 10%.

Chúng tôi đã khảo sát ở một số BV lớn trên địa bàn Hà Nội trong ngày đầu tiên tăng viện phí. Dường như không mấy ai để ý, do chưa cảm nhận được tác động từ chính sách mới này. Ở BV Quân đội 108 số lượng người đến khám, chữa bệnh không giảm. Khi được hỏi có cảm thấy lo lắng vì giá viện phí tăng hay không, bà Trần Thị Ngà (Ba Đình –Hà Nội) cho biết, bà không để ý giá viện phí cũ nên không biết giá mới sẽ tăng nhiều hay ít.

Vừa khám bệnh tại BV Việt Đức trở ra, ông Nguyễn Văn Bình (Khu tập thể Dược phẩm ngõ Văn Hương, Hàng Bột, Hà Nội) chia sẻ, thực ra giá viện phí tăng 10% thì không ảnh hưởng nhiều lắm với người đi khám bệnh không có thẻ BHYT, vì chỉ tăng 100-200 ngàn cho các xét nghiệm sinh hóa, siêu âm, X quang. Chỉ những người nằm điều trị mới cảm nhận rõ sự thay đổi này khi thanh toán.

Điều này là có thật với gia đình chị Hà Thị C. (52 tuổi) ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn điều trị ở Trung tâm chống độc –BV Bạch Mai vì ngộ độc nấm, hay chị Nguyễn Thị B. (50 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) và nhiều bệnh nhân khác cũng đang cơn nguy kịch nằm tại Khoa Hồi sức tích cực của BV Bạch Mai, hay gia đình. Chị B. bị viêm đa rễ thần kinh, phải thay huyết tương nên chi phí ban đầu đã lên tới 300 triệu đồng. Chị không có thẻ BHYT nên gia đình phải vay mượn, xoay sở khắp nơi mà số tiền cũng chỉ là muối bỏ bể trước chi phí quá lớn của căn bệnh.

BS BV Bạch Mai thăm khám bệnh nhân.

Anh Nguyễn Quang S- chồng của chị B. cho biết, gia đình anh chị thuần nông, thu nhập chủ yếu trông vào cây lúa, nên khi vợ nằm viện, anh không biết trông cậy vào đâu. Anh chị em mỗi người một ít, hàng xóm cũng góp tay vào nhưng cũng chẳng thấm vào đâu với chi phí khổng lồ mà căn bệnh đòi hỏi.

Vừa chăm vợ trong BV, vừa lo xoay sở tiền để chữa bệnh, anh S. đứng ngồi không yên khi tất cả những đồ vật có giá trị trong nhà anh đã mang bán để có tiền chữa bệnh cho vợ mà vẫn không đủ. “Giá như vợ tôi có BHYT thì gia đình đâu đến nông nỗi này” – tâm tư của anh S. cũng chính là nỗi đau của nhiều bệnh nhân không có BHYT đang điều trị tại BV Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Phương (Khoa Hồi sức tích cực) cho biết chị B. đã được thay huyết tương nhiều lần để loại bỏ kháng thể trong máu gây tổn hại rễ thần kinh, đặt nội khí quản thở máy và hồi sức tích cực. Nhưng bệnh nhân cần thay huyết tương 6-10 lần nữa với chi phí khoảng 15-20 triệu đồng/lần. Mà đây là một khoản tiền lớn mà gia đình bệnh nhân đang không biết phải xoay sở thế nào.

Mới khởi động lộ trình tăng viện phí

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), Thông tư 02 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017, nhưng chỉ khoảng 50 BV tăng viện phí, là các BV hạng đặc biệt, BV hạng 1 thuộc Bộ Y tế và BV hạng 1 thuộc các bộ ngành. Vì đây là các BV do Bộ Y tế quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể. Còn lại, các BV thuộc địa phương quản lý và các BV do bộ, ngành quản lý từ hạng 2 trở xuống sẽ do tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện.

Thời điểm thực hiện tăng viện phí ở nhiều BV, địa phương cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự quyết định của cấp có thẩm quyền. Song, ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, đến hết 2017, tất cả các BV trên cả nước vẫn phải thực hiện mức giá như qui định tại Thông tư 02.

Như vậy, còn khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí mới khi hiện nay cả nước có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT.

Lượng người đến khám, chữa bệnh không có thẻ BHYT vẫn đông đúc (ảnh chụp sáng 1-6 tại BV 108)

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, từ tháng 3-2016, BV đã áp dụng mức viện phí mới với người bệnh có BHYT. Hơn 1 năm qua, tổng chi mà BHYT chi trả cho BV tăng khoảng 10%. Mức tăng này chủ yếu là tăng ở giá dịch vụ kỹ thuật, còn lại 60-65% chi phí y tế là tiền thuốc và vật tư y tế vẫn giữ ổn định, cho thấy mức tăng viện phí khá cao và khi áp dụng với người chưa có BHYT thì nhiều người sẽ khó khăn.

Cũng theo ông Hiền, người chưa có BHYT chiếm khoảng 20% người điều trị nội trú tại BV Bạch Mai, trong đó, nhiều người bị bệnh nặng, chi phí lớn, có người không có khả năng chi trả. Theo lộ trình, BV Bạch Mai áp dụng viện phí mới sau ngày 1-6 thì những bệnh nhân này càng khó khăn.

Như vậy, những người chưa có thẻ BHYT sẽ phải đối mặt với nỗi lo bị “nghèo hóa” khi ốm đau phải đi BV. Bởi nhiều loại bệnh có chi phí rất lớn, có khi vài trăm triệu, thậm chí, cả tỷ đồng cho một đợt điều trị.

Ông Nguyễn Nam Liên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế): Vì thế, giải pháp chính đối với các đối tượng chưa có thẻ BHYT để giảm thiểu tình trạng nghèo hóa hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa, là tham gia BHYT. Thời gian vừa qua, việc thực hiện giá viện phí đối với người chưa có thẻ BHYT giãn ra và chậm hơn, nhằm để họ có thêm thời gian cân nhắc, thấy được lợi ích của BHYT để tham gia. Việc ban hành Thông tư 02 cũng nhằm để mọi người dân thấy được cần phải tham gia BHYT để đề phòng nếu chẳng may ốm đau sẽ được Quỹ BHYT chi trả, hạn chế chi trả từ tiền túi khi KCB, giảm gánh nặng kinh tế của gia đình.

Tác giả: Thanh Hằng

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP