Tuy nhiên, ngành NN&PTNT cả nước cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: tiêu thụ nông sản phải cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đang đẩy mạnh xuất khẩu và chịu tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là nguy cơ xâm nhập dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam; những yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán mặc dù đã được khắc phục nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế...
Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ ứng dụng cơ giới trong sản xuất lúa. Trong ảnh: Nông dân huyện Cờ Đỏ sử dụng máy cấy lúa trong sản xuất vụ mùa đông xuân 2018-2019. |
KẾT QUẢ KHẢ QUAN
GS.TS Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Trong bối cảnh đó, ngành NN&PTNT nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân trên cả nước… nên toàn ngành vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai quyết liệt công tác cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó, phát triển sản xuất, kinh doanh gặt hái được kết quả đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, GDP đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước và bảo đảm an sinh xã hội ở từng địa phương...”.
Năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% so với năm 2017, trong đó, nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thủy sản tăng 6,5%; GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 42,4%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 40,02 tỉ USD... Kết quả này là nhờ cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường, xuất khẩu đạt kỷ lục mới. Đồng thời, các hình thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi được tăng cường, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, chế biến nông sản; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tu bổ, nâng cấp, hoàn thiện, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Ở TP Cần Thơ, ngành NN&PTNT cũng đạt được kết quả khả quan. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2018, ngành NN&PTNT TP Cần Thơ bám sát chỉ đạo của Bộ và Thành ủy, UBND thành phố nên sản xuất đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đóng góp vào phát triển tổng sản phẩm (GRDP) của TP Cần Thơ. Cụ thể, đến cuối năm 2018, GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố đạt 5.399,2 tỉ đồng (giá so sánh 2010), với tốc độ tăng GRDP đạt 2,077% so năm 2017; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 13.474,17 tỉ đồng, vượt 4,1% kế hoạch. Nhiều mô hình liên kết sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật được triển khai thực hiện và nhân rộng. Vụ lúa đông xuân 2018-2019, thành phố đã xuống giống dứt điểm, đạt 100% kế hoạch, với hàng chục cánh đồng lớn, liên kết sản xuất được hình thành và hứa hẹn vụ mùa thu hoạch bội thu sau Tết Nguyên đán 2019”.
TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG
Năm 2019, ngành NN&PTNT TP Cần Thơ đưa ra chỉ tiêu phát triển, với tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực nông nghiệp và thủy sản là 1,2%; cơ cấu kinh tế (GRDP) khu vực nông nghiệp và thủy sản 7,72%... Qua đó, ngành nông nghiệp thành phố xác định: diện tích sản xuất lúa cả năm đạt 216.040ha với tổng sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn; rau màu và đậu các loại 12.550ha với sản lượng đạt 126.200 tấn; cây ăn quả 19.150ha với sản lượng trên 100.000 tấn; trồng mới 850 ngàn cây phân tán bảo vệ môi trường; tổng đàn heo nuôi 136.000 con, đàn gia cầm 1.900.000 con, với sản lượng thịt hơi các loại từ 37.500 tấn trở lên; diện tích nuôi thủy sản 8.400ha với sản lượng nuôi đạt trên 198.000 tấn…
Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết: “Để đạt kết quả trên, chúng tôi thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, toàn ngành hỗ trợ để từng bước nâng cao trình độ sản xuất của nông dân; phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn và có sức cạnh tranh cao...”.
Năm 2018, Bộ NN&PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trên 3,0%, giá trị sản xuất đạt trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 - 43 tỉ USD; có 48 - 50% xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41.85%... GS.TS Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng cho việc chuẩn bị hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, kế hoạch phát triển ngành; tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành nông nghiệp xác định “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh” là nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành nỗ lực thực hiện trong năm 2019”.
Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng, phát triển cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu, như: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm đặc sản địa phương. Từ đó, các đơn vị trực thuộc, các địa phương có giải pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp; chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả; đề xuất các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kế hoạch, cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi... thích ứng biến đổi khí hậu và phù hợp với Luật Quy hoạch, nhất là phù hợp đặc điểm sản xuất ở vùng ĐBSCL... nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và nâng cao giá trị sản xuất.
Tác giả: HÀ VĂN
Nguồn tin: Báo Cần Thơ