Tin địa phương

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hôm nay, chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn và hứa sẽ tháo gỡ khó khăn trực tiếp thông qua cơ chế, chính sách phù hợp.

Ngày 8/1, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức buổi Tọa đàm “Đối thoại chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ”. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống chủ trì và trực tiếp đối thoại cùng doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ gợi ý cho các doanh nghiệp góp ý chân thành để ông có cơ hội lắng nghe các thắc mắc của doanh nghiệp nhằm đưa ra hướng tháo gỡ khó khăn. Ảnh: Kim Khanh

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, vì vậy thành phố xem lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của địa phương nên việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ tiếp tục được địa phương thực hiện.

Năm 2019, thành phố đã thực hiện những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ để làm động lực phát triển của thành phố.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, có hơn 11.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhưng chỉ gần 8.000 doanh nghiệp đang thực tế hoạt động. Trong đó, có khoảng 2.000 doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả trong năm 2018. Vì thế, ông mong muốn nghe các doanh nghiệp trình bày những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua, vì sao doanh nghiệp thua lỗ và thành phố cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Sau phát biểu của chủ tịch UBND TP, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn trình bày những khó khăn vướng mắc của đơn vị mình trong thời gian qua, chủ yếu xoay quanh vấn đề nhân công lao động, lãi suất vay, bảo hiểm xã hội, ô nhiễm môi trường...

Ông Trần Chí Gia, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cổ phần may Meko cho rằng, nên có sự tính toán cụ thể lại việc tăng lương tối thiểu vùng vì vấn đề này là "quá sức chịu đựng" của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp tôi từ chỗ có hơn 3.000 công nhân lao động, nhưng hiện nay đã giảm chỉ còn 1.700 công nhân thôi”, ông Trần Chí Gia dẫn chứng.

Theo ông, chuyện đánh thuế hiện cũng chưa hợp lý, mà cụ thể là doanh nghiệp gia công thuần, tức lấy công làm lời, nhưng bị đánh thuế tương đương với các doanh nghiệp sản xuất.

"Đóng thuế như vậy là không công bằng”, ông Gia nói.

Ông Trần Chí Gia, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cổ phần may Meko cho rằng nên có sự tính toán cụ thể lại việc tăng lương tối thiểu vùng vì vấn đề này là "quá sức chịu đựng" của doanh nghiệp. Ảnh: Kim Khanh

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thủy sản và chế biến thực phẩm trong Khu Công nghiệp (KCN) cũng kiến nghị chính quyền nên có phương thức hỗ trợ để doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp cho việc mở rộng đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng và công nghệ thay thế lực lượng lao động phổ thông trong tương lai.

Đại diện ngân hàng Nhà nước trả lời: Hiện nay các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN đối với khách hàng.

Theo đó, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại thông tư này và các quy định pháp luật liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay và độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp NHNN VN có quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Doanh nghiệp may trong KCN phản ánh về việc Công ty Lương thực Sông Hậu cho thuê nhà kho chứa than nên bụi than gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe người lao động và sản xuất kinh doanh của công ty. Sự việc đã diễn ra khoảng 10 năm đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều doanh nghiệp nêu bức xúc tại buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố. Ảnh: Kim Khanh

Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ giải đáp như sau: Về vấn đề phản ảnh của công ty, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ có nhận phản ánh và đã tích cực xử lý trong thời gian qua, cụ thể là tháng 12/2017 Ban quản lý đã có làm việc với Công ty Lương thực Sông Hậu về việc bụi của kho than mà công ty cho thuê đã gây ảnh hưởng môi trường xung quanh và Công ty lương thực Sông Hậu đã khắc phục bằng cách dùng lưới và bạt che chắn, tuy nhiên ảnh hưởng gió nên việc khắc phục này chưa triệt để, vẫn còn ảnh hưởng.

Ngày 22/8/2018, Ban quản lý tiếp tục thành lập đoàn khảo sát tại doanh nghiệp và giải quyết vấn đề nêu trên đồng thời doanh nghiệp đã cam kết khắc phục triệt để vấn đề bụi than gây ảnh hưởng môi trường

Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khách sạn Victoria Cần Thơ cho rằng, rác thải trên sông, kênh rạch hiện nay rất nhiều, có ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. “Hàng năm, chúng tôi có kết hợp đoàn thanh niên thu gom rác, nhưng đó chỉ là phong trào thôi”, bà thừa nhận và cho rằng rất cần sự “tiếp tay” của chính quyền để việc xử lý rác mang tính “dài hơi” hơn.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, kết luận tọa đàm ông Võ Thành Thống đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành của địa phương rà soát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Chuyện nào trong phạm vi xử lý của sở ngành, thì xử lý ngay, chuyện nào ngoài phạm vi xử lý thì tham mưu để UBND thành phố kiến nghị Trung ương xử lý”, ông Thống chỉ đạo.

Tác giả: Kim Khanh

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP