Xã hội

Nạn nhân bị lừa bán qua Campuchia: Ký ức kinh hoàng

Khi bị phát hiện có liên lạc về gia đình và cơ quan chức năng để cầu cứu, ngay lập tức, Ð.T.L. bị những tên quản lý nhốt vào phòng kín, còng tay, bỏ đói, đánh đập suốt 4 ngày liền.

Công an huyện Trà Bồng thăm hỏi, động viên gia đình 2 nạn nhân L. và N.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Đ.T.L. (21 tuổi, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) bỏ học từ sớm và làm công nhân ở một Cty thuộc VSIP Quảng Ngãi. Công việc khá vất vả vì phải tăng ca thường xuyên.

Khoảng tháng 3, tình cờ qua một người bạn trên Facebook, L. được giới thiệu và rủ rê vào làm lao động cho một Cty gỗ ở Bình Dương với thù lao hậu hĩnh. Tin tưởng, L. rủ hàng xóm là H.T.N. (16 tuổi) cùng đi.

“Người bạn kia bảo tụi em đi trước vì người đó đang bị bệnh. Tụi em vô tới Bình Dương, đến chỗ hẹn gặp nhau thì có xe chở lên Sài Gòn, ngoài 2 chị em còn có 4 người nữa ở các tỉnh khác. 12 giờ trưa, nhóm 6 người được thả xuống một nhà nghỉ ở Tây Ninh, có một nhóm giang hồ đi theo quản lý. Họ lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để đưa 6 người qua biên giới nhưng có 3 người bị phía Việt Nam phát hiện, bắt lại”, L. kể.

Qua Campuchia, L. được đưa vào khu nhà được bảo vệ nghiêm ngặt, lưới rào xung quanh gài điện 24/24. Cô làm việc chung nhóm với 2 người khác, được “tập huấn” về cách thức lừa các nạn nhân là người Việt chuyển tiền vào tài khoản để được hưởng “hoa hồng”.

“Lao động trong Cty toàn là người Việt Nam, chủ là người nước ngoài. Em làm việc từ 9 giờ sáng đến 21 giờ tối. Mỗi ngày chỉ tiêu phải lừa được 30 triệu đồng, nếu không hoàn thành phải tăng ca đến 22 giờ, 23 giờ.

Không đủ chỉ tiêu là họ cho ăn đồ ăn sống, trộn lẫn vào nhau. Nhóm người Việt bị nhốt trong tòa nhà. Khi làm việc, ngồi sát nhau cũng không được nói chuyện, trao đổi tin nhắn qua vi tính, chỉ cần có động thái nhỏ đều bị phát hiện, nhẹ thì bị phạt tiền, nặng thì bị đánh. Sim điện thoại, giấy tờ đều bị tịch thu”, L. kể.

Làm việc được 2 ngày, L. xin được sim của một người bên Campuchia và tìm cách liên lạc với người nhà để cầu cứu.

“Trong một lần sơ hở, em bị phát hiện đã liên lạc về nước, họ bắt nhốt em vào phòng kín, còng tay, đánh đập và bỏ đói em suốt 4 ngày liền. Họ hỏi em liên lạc với ai, nói những gì, ngoài em còn có ai nữa không rồi bảo sẽ bán em đi “làm gái”, em van xin nhưng không thoát khỏi sự hành hạ”, cô gái trẻ bật khóc.

Sau khi trấn tĩnh, L. kể tiếp: “Em biết việc đang làm là lừa đảo, là tội lỗi lắm nhưng vẫn phải làm. Nếu đủ chỉ tiêu thì hằng tháng 3 người được trả 30 triệu đồng, nhưng số tiền đó em không được nhận, phải trả cho chủ vì họ mua em tốn 1.800 USD từ giang hồ. Người chủ nói với em, nếu muốn chuộc ra thì gia đình phải chuyển cho nó 50 triệu đồng/người, sau đó vài ngày nó nâng lên 150 triệu đồng/người”.

Một trong các bước “lừa” chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt

Nhà nghèo mà số tiền “chuộc thân” quá lớn, L. và N. đành ngậm ngùi ở lại làm việc để trả nợ. Một thời gian sau, L. làm việc tốt hơn nên bị bán sang Cty thứ hai. Các số điện thoại trong danh bạ bị xóa sạch. Ở Cty mới, mỗi tháng L. và N. bị giao chỉ tiêu là phải lừa được 1,5 tỷ đồng, làm đủ nhận được lương 24 triệu đồng, không thì 18 triệu đồng.

“Lần này người chủ nói với em, số tiền mua em là 3.000 USD, em phải làm để trả nợ. Cách thức làm ở đây cũng là lừa đảo như bên Cty cũ. Có người trong ngày chuyển vô cả 1 tỷ đồng… tụi em gọi là “giết khách”. “Giết” được rồi thì sau đó sẽ khóa tài khoản, chặn liên lạc. Có người sau khi lừa được rồi, em gọi lại để hỏi thăm, người đó kêu vì đã cầm cố hết giấy tờ đất đai, tài sản nên không dám về nhà, tính đi nhảy cầu tự tử. Vài ngày sau em gọi tiếp nhưng không liên lạc được nữa. Có khi…”, L. dứt lời, nước mắt ứa ra.

Theo Công an Quảng Ngãi, từ đầu năm 2022 đến nay, qua mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên tại tỉnh đã bị lừa sang Campuchia, rồi bị nhốt, đánh đập, muốn quay về Việt Nam thì phải có tiền chuộc. Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội, nếu có nhu cầu tìm việc làm nên tìm hiểu tại các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm được cấp phép.

Cuộc tháo chạy qua biên giới

Ở Campuchia, việc truy quét của cơ quan chức năng ngày càng ráo riết, các Cty hoạt động như nơi L. làm việc cũng lọt vào tầm ngắm nên việc quản lý ngày càng gắt gao hơn.

“Lần đó, có người anh cùng chỗ làm hỏi em muốn về không? Muốn về thì chọn đồ, mang gọn nhẹ rồi tìm cách chạy qua cổng bảo vệ. Khoảng 23 giờ ngày 28/10, em với mấy người nữa canh lúc có xe vào rồi ào chạy ra ngoài. Cầm theo cả vỏ chai bia để làm vũ khí, đề phòng bảo vệ đuổi theo”, L. kể.

Nhóm chạy trốn sau đó chia đôi, một số đi về hướng của khẩu Mộc Bài. Riêng L. cùng vài người nữa chạy bộ về hướng cửa khẩu Tho Mo (Long An) rồi đến Tây Ninh. Vẫn sợ bị bắt, bán lại, L. không dám ngủ ở nhà nghỉ mà 3 giờ sáng từ Tây Ninh bắt xe lên Sài Gòn.

“Về tới Sài Gòn em đi chân đất, quần áo tả tơi. Một chị trong nhóm chia tiền cho mọi người, mua quần áo, rồi 16 giờ là em bắt xe về Quảng Ngãi luôn. Đến 10 giờ ngày 30/10 về tới Quảng Ngãi”, L. nói tiếp.

H.T.N. may mắn hơn Đ.T.L, tiếp tục làm ở Cty cũ một thời gian thì Cty này chuyển chủ. Đang trong đợt truy quét mạnh nên N được thả về cùng một số người khác.

Chuyện 2 cô gái trẻ bị bán qua Campuchia đang trở thành câu chuyện nóng ở thôn bản vùng cao Trà Bùi. Ngồi ôm cháu ngoại, nghe con gái kể lại cuộc hành trình chạy trốn, bà Đ.T.D. rơi nước mắt: “Từ ngày nó liên lạc về, bảo là bị bán qua Campuchia, cả gia đình mất ăn mất ngủ. Nhà nghèo mới đi làm thuê, tiền đâu mà chuộc? May mà cuối cùng con cũng về. Giờ kiếm việc gần gần thôi, không đi đâu xa nữa, sợ lắm”.

Tác giả: Hà Thương

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP