Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP) |
Đòn thương mại hạn chế
Hôm 17/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh có bất cứ động thái đáp trả quyết định của Washington áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bất chấp cảnh báo này, Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng việc áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Ông Trump ngày 10/10 tiếp tục cảnh báo đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, song trước đó, chính quyền Mỹ đã có những động thái gây sức ép khác với Trung Quốc, trong đó bao gồm trừng phạt quân đội Trung Quốc, tăng cường các cuộc tập trận hải quân xung quanh Trung Quốc, tăng cường các quan điểm chỉ trích như cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử giữa kỳ Mỹ.
Phát biểu hồi tuần trước về việc đối phó cái gọi là sự can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề của Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng, Mỹ sẽ tiếp tục "kiên cường bảo vệ an ninh và kinh tế" của đất nước, song không phát bất cứ tín hiệu nào cho thấy chính quyền Mỹ sắp áp thuế lên tất cả hàng hóa Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng, lo ngại tác động tới tâm lý của cử tri trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới có thể là lý do chính khiến chính quyền Tổng thống Trump không có ý định siết chính sách thuế quan hơn nữa với Trung Quốc.
Josh Green, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty dữ liệu Panjiva, cho rằng, việc áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến giá cả leo thang, kể cả giá các mặt hàng tiêu dùng phổ biến, từ đó tác động tiêu cực đến tâm lý cử tri Mỹ.
Ông Allen Carlson, giáo sư Đại học Cornell, cho rằng những phản ứng không quá quyết liệt của Trung Quốc đến nay có thể là lý do khiến ông Trump bực mình và tính đến các chính sách khác để đối phó Trung Quốc.
"Giáng đòn" trên nhiều mặt trận
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (Ảnh: Reuters) |
Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson hôm 5/10, Phó Tổng thống Pence tuyên bố, Mỹ sẽ đối phó với sự "hung hăng" của Trung Quốc ở tất cả các lĩnh vực. Ông Pence cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các công cụ tuyên truyền, quân sự, kinh tế và chính trị với cường độ chưa từng có để tác động, can thiệp đến các vấn đề nội bộ của Mỹ.
"Thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm tới Trung Quốc đó là: Tổng thống (Trump) sẽ không lùi bước và người Mỹ sẽ không bị áp bức. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho an ninh và kinh tế đất nước ngay cả khi chúng tôi mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh", ông Pence nói.
Ông Derek Scissors, một học giả thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng ngoài thuế quan, sắp tới, Mỹ có thể gây sức ép với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác trong đó có quân sự.
Thực tế, hồi cuối tháng 9, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt một đơn vị quân đội Trung Quốc do mua vũ khí của Nga. Chuyên gia Derek Scissors gọi đây là "bước một" trong chiến thuật trừng phạt phi thuế quan của Washington.
"Trung Quốc không lường trước việc này. Hành động của Mỹ không mang ý nghĩa kinh tế nhưng nó cho thấy xung đột đang mở rộng dần ra", ông Scissors nói.
Căng thẳng càng đẩy lên cao khi gần đây, Mỹ hủy chuyến thăm cấp cao của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến Bắc Kinh dự kiến trong tháng 11 tới.
Ngoài ra, CNN dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ vẫn đang xem xét triển khai các cuộc tập trận hải quân ở các vùng biển quốc tế gần Biển Đông và eo biển Đài Loan vào tháng 11 tới. Họ thừa nhận, các cuộc tập trận chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “nóng mặt”. Mặc dù vậy, Phó Tổng thống Pence tuyên bố: “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng không, hàng hải ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép và phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa, chúng tôi sẽ không đầu hàng”.
Mặc dù Mỹ mở rộng mặt trận gây sức ép với Trung Quốc, song giáo sư Allen Carlson cho rằng có thể Washington chưa có một chiến lược rõ ràng về vấn đề này.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí