Kinh tế

Muốn giảm giá 'sốc' cũng không được

Quy định không được giảm giá hàng hóa, dịch vụ quá 50% so với giá bán trước đó đã khiến các doanh nghiệp khó thu hút được người mua.


Hàng hóa không được giảm giá bán hơn 50% khiến người dùng chịu thiệt. Ảnh: D.Đ.M
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, quy định này đã đưa ra 10 năm và quá lạc hậu với thực tế.

Từ nay đến cuối năm, TP.HCM và Hà Nội có nhiều chương trình khuyến mãi với hàng loạt sản phẩm được giảm giá. Bản thân các sở công thương cũng tổ chức các tháng khuyến mãi trên địa bàn, rồi Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cũng tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến” hằng năm để kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn không hào hứng vì hàng hóa chỉ giảm giá tối đa 50% chứ không thể giảm sốc lên 70 - 80% như ở các nước.

Không phù hợp thực tế

Theo bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, nhiều năm trước, sản phẩm may mặc có tuổi thọ dài hơn nhưng hiện nay với tốc độ cập nhật thông tin và liên thông giữa VN và thế giới thì tuổi thọ sản phẩm rất ngắn, có khi chưa hết mùa đã bị xem là lỗi mốt khiến doanh nghiệp (DN) phải xả hàng nhanh để thu hồi vốn. Việc chấp nhận thua lỗ để bán hàng tồn, hàng qua mùa nhằm thu hồi lại được đồng nào hay đồng đó, có vốn xoay vòng sản xuất sản phẩm mới là cần thiết. Vì vậy, ở những thời điểm đó, DN cần được giảm giá thật mạnh mới có thể thu hút được người tiêu dùng. “Chúng ta đi các nước đều thấy hàng hóa được giảm giá mạnh đến 70% hoặc hơn là phổ biến. Trong khi quy định tối đa của VN chỉ được phép giảm 50% khiến DN bị hạn chế trong hoạt động. Vì mức giảm đó không hấp dẫn đối với người dùng nên DN cũng không đạt được nhu cầu thu hồi vốn khi cần”, bà Đặng Quỳnh Đoan nói.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhận xét: “Quy định này không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt với các ngành hàng tiêu dùng nhanh, hàng thời trang. Trong đó, nhu cầu cạnh tranh, khuyến mãi để gia tăng sức mua hầu như diễn ra liên tục. Việc quyết định giảm giá bao nhiêu tùy thuộc vào mỗi DN với chiến lược kinh doanh, thực lực tài chính... miễn là đạt được yêu cầu giải phóng nhanh lượng hàng hóa đang còn trong kho. Điều này ở các nước trên thế giới là chuyện bình thường”.

Dù không có nhu cầu xả hàng nhiều như thời trang, nhưng theo ông Liên An Thạch, Giám đốc kinh doanh siêu thị điện máy Chợ Lớn, đôi khi có một số sản phẩm gặp lỗi trong quá trình vận chuyển như móp méo, bao bì bị hư hoặc hàng trưng bày lâu ngày, khi đó các DN sẵn sàng chấp nhận bị lỗ để thu hồi một phần vốn. Thế nhưng vì vướng quy định không được giảm giá cao hơn 50% giá bán trước đó nên siêu thị thường chỉ bán thanh lý nội bộ với giá sốc mà không được công khai rộng rãi. “Với thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì cần xem xét lại quy định này, có thể bãi bỏ hoặc nâng trần giảm giá lên ở mức cao hơn”, ông Liên An Thạch đề nghị.

Người tiêu dùng thiệt thòi

Trước đây, các nhà mạng di động đã liên tục đưa ra hình thức khuyến mãi lên đến 100% hoặc thậm chí 200% cho người dùng khi nạp thẻ điện thoại. Sau khi bị “tuýt còi”, tỷ lệ hiện nay chỉ còn 50% giá trị thẻ nạp và điều này đã khiến cho hàng triệu người dùng phải chịu thiệt.

Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) mới đây đã đánh giá quy định này là “đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN”. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, phân tích: Có thể quy định trước đây đưa ra nhằm hạn chế việc các DN lợi dụng chính sách giảm giá để nộp thuế ít hơn. Tuy nhiên những hành động can thiệp cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động của DN như trên không có ý nghĩa nhiều. Thậm chí, ngay cả quy định về trần tỷ lệ quảng cáo khuyến mãi cũng đã được nâng cao hơn cho phù hợp với thị trường. Điều này nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của mọi DN, tổ chức. Đồng thời, nếu có khả năng bị lạm dụng thì việc thất thu thuế cũng không nhiều. Quy định không còn theo kịp với nhu cầu của người dùng lẫn DN khi thị trường thay đổi, hàng hóa cần thay sản phẩm mới liên tục... thì nên xem xét sớm bãi bỏ. “Đặc biệt với quy định không còn nhiều ý nghĩa trong khi chi phí quản lý, từ đăng ký đến kê khai, kiểm tra là quá lớn. Thay vào đó, để đội ngũ cán bộ các sở công thương tập trung lo quản lý các vấn đề có liên quan về chất lượng hàng hóa, chống hàng gian hàng giả hay vệ sinh an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại thì hiệu quả hơn”, luật sư Trần Hữu Huỳnh nói.

Ông Phạm Xuân Hồng cũng nhấn mạnh, việc “sale off” mạnh đối với các hàng hóa lỗi mốt, sắp hết thời hạn sử dụng là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cũng như giúp DN quảng bá thương hiệu, chủ động nghiên cứu sản xuất và đưa ra sản phẩm mới trên thị trường. VN đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới nên chúng ta phải làm theo thông lệ quốc tế mà không nên một mình một chợ với những quy định không giống ai. DN có sức mà khuyến mãi “tẹt ga” thì khách hàng cũng được lợi. Đó là chưa kể với việc giảm giá mạnh ở các nước lân cận đã thu hút người tiêu dùng VN đi ra nước ngoài chi tiêu nhiều hơn là mua hàng trong nước.

Chúng ta đi các nước đều thấy hàng hóa được giảm giá mạnh đến 70% hoặc hơn là phổ biến. Trong khi quy định tối đa của VN chỉ được phép giảm 50% khiến DN bị hạn chế trong hoạt động. Vì mức giảm đó không hấp dẫn đối với người dùng nên DN cũng không đạt được nhu cầu thu hồi vốn khi cần

Bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy


Ông Lê Mạnh Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, cũng cho rằng quy định này không còn phù hợp với thực tế thị trường. Thậm chí dù có quy định nhưng việc kiểm tra giám sát cũng không hết khiến nhiều đơn vị “lọt sổ” khi giảm giá cao hơn quy định, gây nên sự cạnh tranh không công bằng. “Vì vậy, hãy để DN tự quyết định”, ông Hào nói.
Theo ông Hào, bán giá bao nhiêu, giảm giá hay khuyến mãi gì là do chiến lược kinh doanh của từng công ty. Việc áp dụng linh hoạt các chương trình gồm bán hàng, quảng cáo... là cần thiết tùy thuộc vào điều kiện thị trường, cạnh tranh và chỉ có DN mới tự quyết định được mà không cần cơ quan nào can thiệp.

Tác giả bài viết: Mai Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP