Giáo dục

Mong chờ sự tự chủ thực sự cho giáo dục phổ thông

"Khi được giao quyền chủ động trong tuyển dụng giáo viên, các trường sẽ chọn ra người giỏi và phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình".

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi” do Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cần được trao thêm quyền chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý và trả lương cho giáo viên để sát với nhu cầu thực tế. Hiện nhiều trường vẫn bị gò bó vì những quy định rất khó của ngành.

đại biểu

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hương, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, điểm cần điều chỉnh trong dự thảo Luật giáo dục sửa đổi lần này chính là tăng quyền tự chủ của các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục trong quy trình tuyển dụng giáo viên.

Khi được giao quyền chủ động trong tuyển dụng giáo viên, các trường sẽ chọn ra người giỏi và phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình.

UBND TPHCM cũng vừa có chủ trương giao 2 trường là Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa và Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong thí điểm việc tự chủ tuyển dụng giáo viên.

Nếu thời gian tới, các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông được tự chủ vấn đề này, chất lượng đào tạo sẽ thay đổi. Hiện nay, nội dung này trong dự thảo vẫn chưa rõ ràng.

Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hương băn khoăn:“Quyền tuyển dụng này nên được hiểu như thế nào cho đúng. Trong dự thảo luật sử dụng cụm từ “tổ chức tuyển dụng” thì theo tôi hiểu các trường chỉ tổ chức về mặt thủ tục thôi còn việc đưa ra các tiêu chí và quyết định sẽ thuộc về bên khác chứ không phải trường. Tại sao không giao cho nhà trường quyền được tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên trong phạm vi thẩm quyền của mình.”

Cho rằng việc dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này quan tâm nhiều đến mức độ tự chủ của hệ thống giáo dục phổ thông là rất đúng, thế nhưng Tiến sĩ Phạm Thị Ly, thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực vẫn mong muốn những điều khoản cụ thể hơn.

Theo bà, trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành với tinh thần trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục không chỉ trong việc lựa chọn sách giáo khoa mà còn các phương pháp tiếp cận, nội dung thực hiện. Do đó, quyền tự chủ của các trường cần phải được khẳng định rõ hơn. Và quan trọng là tự chủ phải đi liền với trách nhiệm giải trình để tránh tình trạng lạm quyền.

"Quan trọng hơn nữa là cơ chế cho minh bạch thông tin. Luật cần phải quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc cung cấp thông tin cho người học cũng như cho các bên liên quan. Minh bạch là từ khóa của trách nhiệm giải trình. Và trách nhiệm giải trình là thứ sẽ làm cân bằng quyền tự chủ của các trường”, bà Ly nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh việc tăng khả năng tự chủ của các trường, rất cần những “cơ chế đặc thù” cho đội ngũ giáo viên. Hiện nay việc tuyển dụng giáo viên và chế độ lương của nhóm đối tượng này vẫn theo hình thức đại trà như viên chức trong các lĩnh vực khác dẫn đến nhiều bất cập.

Là cơ quan chủ quản nhưng thực tế Bộ Giáo dục – Đào tạo không thể kiểm soát được việc phân bổ giáo viên tại các địa phương vì phần này thuộc thẩm quyền Bộ Nội vụ. Thực trạng nơi thừa chỗ thiếu người dạy suốt nhiều năm qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo của các trường. Vậy nên có ý kiến cho rằng cần có một chế độ phù hợp hơn trong việc tuyển dụng, chi trả lương cho giáo viên để các địa phương, các trường an tâm hơn.

Các địa phương, các trường phổ thông mong đợi những chính sách tự chủ thực chất để họ được quyền tìm kiếm, bố trí và thu hút nhân tài theo đúng nhu cầu, định hướng phát triển của mình./.

Tác giả: Mỹ Dung

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP