Nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam đã chính thức được xác nhận là do nguồn nước thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS). Trong đó có chứa các độc tố Phenol, Cyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép.
Điều này gây lo ngại cho người dân bởi có thể họ đã vô tình ăn phải cá có chứa những chất độc này.
Điều này gây lo ngại cho người dân bởi có thể họ đã vô tình ăn phải cá có chứa những chất độc này.
Trong trường hợp cá chết vẫn đến với người tiêu dùng vì mục đích lợi nhuận, người ăn sẽ phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Ảnh: Lê Hiếu.
Ăn cá nhiễm độc nguy hại ra sao?
PGS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng trong trường hợp cá chết vẫn đến với người tiêu dùng vì mục đích lợi nhuận, người ăn sẽ phải đối mặt với những rủi ro nhất định.
Đặc biệt với cyanua là chất cực độc, nguy hiểm và khó xử lý nhất. Với khoảng 50-200 mg cyanua xâm nhập qua đường miệng có thể đầu độc chết một người khỏe mạnh. Với hàm lượng ít hơn, chúng có thể tích tụ bên trong cơ thể con người.
Còn đối với phenol, PGS Thịnh cho biết, hợp chất này rất dễ hoà tan trong nước. Với hàm lượng nhỏ, chúng có thể dễ dàng bài tiết qua da, nước tiểu nên không có khả năng gây ngộ độc cho người ăn.
Riêng Hydroxit Sắt, theo PGS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học Đại học Tự nhiên Hà Nội, đây là hậu quả của quá trình xả sắt II ra nước biển. Chất này lấy oxy từ nước biến, oxy hóa thành sắt III, sau đó thủy phần thành huyền phù oxit sắt. Chúng có thể hấp thu được một số chất độc hại có trong nước thải, mang đi các nơi xa hơn, sau đó lắng xuống đáy biển gây ra các tác động độc hại thứ cấp.
Cũng như hai loại hóa chất trên, Hydroxit Sắt cũng có những tác động tức thì hoặc trường diễn với người ăn phải cá nhiễm độc, tùy theo hàm lượng. Tuy nhiên, hàm lượng nhiễm độc của cá chưa được công bố nên việc đánh giá mức độ nguy hại không dễ.
Có nên dừng ăn cá?
Theo PGS Thịnh sau khi có thông tin cá chết hàng loạt vì nhiễm độc nhiều người dân đã hạn chế loại thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày. Điều này là một thiệt thòi đối với sức khỏe bởi cá có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, người dân rất khó phân biệt cá an toàn và nhiễm độc.
Nếu xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc, người dân cần lập tức ngừng ăn thực phẩm (cá) nghi nhiễm. Sau đó, người bệnh phải đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, hạn chế những diễn biến nặng.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp ăn cá nhiễm độc đều gây ngộ độc tức thì, việc tích tụ lâu dài trong cơ thể mới đáng lo ngại. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người dân cần thực hiện theo những lưu ý sau:
- Chọn những địa chỉ để mua cá an toàn, đảm bảo đó không phải cá chết, cá ươn.
- Khi chế biến cá, do nhiều hóa chất có đặc tính tan trong nước nên người dân có thể rã đông cá trong nước hoặc rửa nhiều lần để giảm nồng độ. Đặc biệt nên vứt bỏ da, các mô xốp như ruột, mang cá vì những mô này dễ nhiễm độc hơn.
- Thường xuyên giải độc cho cơ thể bằng các thực phẩm có chức năng giải độc như gạo lứt, chanh, quế.
Triệu chứng nhiễm độc các chất trên: - Rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, buồn nôn, ỉa chảy) - Rối loạn thần kinh và toàn thân như đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mạch yếu, thở nhanh... - Nặng hơn có thể xảy ra co giật, giãn đồng tử, nhịp tim chậm, nhiệt độ cơ thể giảm xuống, hôm mê và tử vong. |
Tác giả bài viết: Hà Quyên
Nguồn tin: