Cuộc sống

Màng tang, loài cây dại chữa được nhiều bệnh

Người bị phù chân lâu ngày, lấy 30 g lá màng tang tươi, 9 g cỏ gấu tươi, 20 g cành lá non cơm cháy, giã nhuyễn thêm vào một lượng rượu trắng vừa đủ, trộn đều đắp lên vùng bệnh.

cay mang tang 5257 1466043494
Cây màng tang. Ảnh: baithuochay.

Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả nhiều sách hay về cây thuốc Việt Nam, màng tang tên khoa học là Litsea cubeba Pers, thuộc họ long não lauraceae. Đây là loại cây nhỡ, cao chừng 5 đến 8 m, thân vỏ xanh, đến già chuyển thành màu nâu xám. Cành nhỏ và mềm. Lá so le, phiến lá hình mác dài cỡ 10 cm, rộng từ 1,5 đến 2,5 cm, dày, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới xám về sau biến thành màu đen, mép nguyên, cuống lá mảnh, gân lá rõ. Hoa nhỏ khác gốc, màu vàng nhạt, mọc, thành chùm ở nách lá. Quả mọng tròn hay hình trứng, khi chín màu đen, mùi rất thơm.

Cây này mọc rải rác hoặc tập trung thành đám nhỏ ở độ cao từ 100 đến 1.500 m trong rừng thứ sinh hoặc rừng sau khi làm nương rẫy. Ra hoa vào tháng 2 đến 3, có quả từ tháng 7 đến 8. Người ta tìm thấy màng tang nhiều ở Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng. Loài này cũng có ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Đông y dùng lá màng tang để làm thuốc, thu hái vào mùa hè thu, sử dụng tươi hoặc phơi khô. Thuốc này có vị cay, hơi đắng, tính ấm, tác dụng khư phong tán hàn, lý khí chỉ thống. Lá dùng ngoài trị nhọt, viêm mủ da, viêm vú và trị rắn cắn.

Phân tích dược lý cho thấy nhiều bộ phận của cây như quả, hoa, lá, vỏ thân, rễ chứa tinh dầu. Đặc biệt, lá có tinh dầu có cineol, camphen, alpha-terpineol và sesquiterpon, ngoài ra còn có alkaloid và các chất khác.

Tinh dầu màng tang có tác dụng kháng khuẩn với các chủng Bacillus mycoides, B. subtilus, B. pyocyaneus, Eschirichia coli, Klebsiella sp., Mycobacterium tuberculosis, Proteus vulgaris, Salmonella typhi, Shigella dysenteriae, Shigella flexneri, Staphylococcus aureus. Giúp chống loạn nhịp tim, chống thiếu máu cơ tim, đối kháng với loét dạ dày do axit chlohydric gây nên, bình suyễn đối với hô hấp, kháng quá mẫn do albumin gây ra. Đặc biệt là tác dụng giúp yên tĩnh, an thần.

Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ cây màng tang như sau:

- Viêm vú cấp tính: Lấy lá màng tang tươi dầm trong nước vo gạo để đắp.

- Phù chân lâu ngày: Lá màng tang tươi 30 g, cỏ gấu tươi 9 g, cành lá non cơm cháy 20 g. Tất cả đem giã nhuyễn, thêm vào một lượng rượu trắng tùy thích, trộn đều đắp vào vùng bệnh.

- Phòng trị muỗi, côn trùng cắn: Dầu màng tang (chưng cất lá để thu tinh dầu) lượng tùy thích, bôi vào chỗ bị thương. Để phòng trừ muỗi cắn, có thể lấy nhiều dầu bôi vào nơi phát ra muỗi nhiều nhất. Nếu không có dầu có thể dùng lá tươi giã vắt lấy nước, bôi ngoài da.

Tác giả bài viết: Trần Ngoan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP