Bước qua 2 phiên họp căng thẳng, song Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn chưa thể chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Khoảng cách về mức tăng lương giữa các bên vẫn còn khá xa.
Theo đó, qua 2 phiên thương thảo, phía đại diện cho chủ sử dụng lao động gồm VCCI đề xuất mức tăng 2%; Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%, còn đại diện hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội da giày, dệt may vẫn chưa đưa ra con số cụ thể dù đã đồng ý tăng.
|
Trước đó, trong phiên họp đầu tiên, phía giới chủ đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 0% nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển trong năm tới.
Trong khi đó, đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ mức đề xuất 8%.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động (TLĐLĐVN) cho rằng, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm tương đối khả quan, GDP năm 2017 cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Chỉ số CPI đang phấn đấu kìm chế ở mức 4%. Các đánh giá đều cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có nhiều khởi sắc, thể hiện ở con số 64.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nhiều dự án kinh tế được triển khai. Trong khi đó, đời sống người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu.
"Trong bối cảnh kinh tế phát triển, người lao động cần được hưởng lợi", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, việc tăng lương cần thực hiện theo Nghị quyết 27, theo đó, lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu vào năm 2020.
Theo bà Tống Thị Minh, trong phiên thứ 2, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới chỉ dừng lại ở việc phân tích tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Bức tranh kinh tế tương đối khả quan. Tuy nhiên, Hội đồng cũng nhận thấy những thách thức của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm đã sắp đạt 4%, sát với mục tiêu của Quốc hội.
Hiện nay, Chính phủ đang "gồng mình" để giữ CPI không tăng mới đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động. Nếu tiền lương tăng được vài đồng, nhưng giá cả hàng hóa tăng thì việc tăng lương không còn ý nghĩa với người lao động.
Chia sẻ quan điểm về mức lương tối thiểu vùng 2019, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho rằng, việc tăng lương cần cải thiện được đời sống, giữ được việc làm cho người lao động. Điều này cũng có nghĩa là cần hài hòa với khả năng chi trả của doanh nghiệp để tạo ra việc làm ổn định.
“Quan điểm của Chính phủ là tạo cơ hội cho các bên thương lượng, từ đó đề ra các mức tăng xích lại gần nhau hơn. Tăng ở mức bao nhiêu không chỉ cần đảm bảo lợi ích các bên, mà còn cần đảm bảo cả các vấn đề quốc gia như việc làm, trật tự, an sinh xã hội. Muốn có tiếng nói chung, các bên cần tiếp tục thương lượng”, bà Tống Thị Minh nhấn mạnh.
Theo sát lộ trình tăng lương tối thiểu qua các năm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ngay từ đầu năm 2018, tình hình tăng trưởng kinh tế đã có những tín hiệu đáng mừng, GDP đạt 7,38%. Song điều kiện để điều chỉnh mức lương tối thiểu còn cần dựa vào cơ sở biến động của chỉ số giá sinh hoạt, các điều kiện phát triển kinh tế xã hội và quan hệ cung cầu trên thị trường.
“Theo Tổng LĐLĐ VN, mức sống tối thiểu của khu vực có quan hệ lao động mới đáp ứng được 90-92%. Xét điều kiện tăng trưởng và mức sống tối thiểu hiện tại, tôi cho rằng cần tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của năm 2019 theo hướng tăng thêm.
Điều này nhằm đảm bảo tiêu chí lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2020. Đó là giới hạn cuối cùng theo lộ trình được Chính phủ cam kết”, ông Lợi nêu quan điểm.
Căn cứ vào tình hình thực tế, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 có thể tăng từ 6-7% so với năm 2018, như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng cho năm sau khi phải đuổi kịp lộ trình đã đề ra.
Song mức tăng lương cụ thể của năm 2019 sẽ chỉ được đưa ra nếu các bên có thể thống nhất ý kiến trong phiên họp thứ 3 này./.
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: Báo VOV