Tin địa phương

Loạt công trình 'tiền tỷ' thi công dở dang, chậm tiến độ ở Cần Thơ

Nhiều công trình, dự án mức đầu tư vài chục tới vài trăm tỷ đồng ở Cần Thơ dở dang, chậm tiến độ như dự án kè hai bên sông Cần Thơ, Bệnh viện Ung Bướu...

Có nhiều lý do mà chủ đầu tư các dự án đưa ra như do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giải ngân vốn chậm, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn...

Kè chống ngập dở dang sau 20 năm

Khoảng 20 năm trước, TP Cần Thơ bắt đầu triển khai các dự án kè hai bên bờ sông Cần Thơ.

Trong đó, đoạn kè đi qua khu vực Xóm Chài (phường Hương Phú, quận Cái Răng) được khởi công năm 2001 với vốn đầu tư 171 tỷ đồng.

Dự án gồm tuyến kè dài 2,3km và các hạng mục như cầu tàu, đường thông sau kè, hệ thống chiếu sáng công cộng và công viên cây xanh.

Dự án được đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2003. Tuy nhiên, đến nay đã 21 năm công trình vẫn chưa hoàn thành.

Đoạn kè đi qua khu vực Xóm Chài chưa hoàn thiện sau 21 năm kể từ khi khởi công.

Đoạn kè bắt đầu từ cầu Cái Sơn đến nhà khách số 2 (thuộc quận Ninh Kiều) dài 5,4km được thực hiện từ năm 2016 với vốn đầu tư 750 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án có mục tiêu chống ngập lụt, bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, đến nay tuyến kè còn nhiều đoạn dang dở, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.

Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ (chủ đầu tư công trình), việc chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư gặp vướng mắc, nhà thầu chưa tập trung đầy đủ thiết bị và nhân lực để thi công và do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Đoạn kè từ Cầu Cái Sơn (quận Ninh Kiều) đến huyện Phong Điền và đoạn kè bờ đối diện có tổng chiều dài gần 5,2km được triển khai năm 2020, hoàn thành năm 2021.

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư với số vốn ban đầu là 810 tỷ đồng (từ nguồn vay vốn ODA của Cơ quan phát triển Pháp và vốn đối ứng của địa phương). Sau đó, vốn đầu tư được điều chỉnh tăng thêm 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành.

Theo chủ đầu tư, hiện có hơn 4km chiều dài công trình được giao mặt bằng để thi công. Còn 143 hộ dân chưa giao mặt bằng.

Điểm sáng duy nhất trong các dự án kè hai bên bờ sông Cần Thơ là đoạn đoạn kè từ khu vực cầu Cái Răng đến cầu Quang Trung (thuộc địa bàn quận Cái Răng).

Đoạn kè này dài 4,78km, được khởi công năm 2010 hoàn thành sau 4 năm thi công.

Bệnh viện hơn 1.700 tỷ đồng xây 5 năm không xong

Dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ do Sở Y tế làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng (gồm nguồn vốn vay ODA Chính phủ Hungary và nguồn vốn đối ứng của địa phương).

Việc xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu hiện đại và đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực và trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám, tầm soát và điều trị ung bướu của người dân TP Cần Thơ nói riêng và người dân ĐBSCL nói chung.

Công trình Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây nhiều năm chưa xong.

Dự án tổ chức lễ động thổ ngày 11/10/2017, Hiệp định vay của dự án hết hạn vào ngày 11/7/2022. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn còn đang dở dang.

UBND TP Cần Thơ có công văn kiến nghị nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ từ 42 tháng (3,5 năm) thành 78 tháng (6,5 năm) tính từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực từ ngày 11/1/2019 đến ngày 11/7/2025.

Sở Y tế TP Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân giải ngân chậm do thay đổi nguồn gốc hàng có xuất xứ Hungary; điều chỉnh trang thiết bị y tế chuyên dùng; thuế VAT của gói thầu tổng thầu EPC và chi phí thông quan hàng hóa của dự án và chi phí phát sinh lưu kho bãi của 71 container.

Ngoài ra, công trình chậm tiến độ cũng một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trước tình hình trên, Sở Y tế Cần Thơ đề xuất UBND TP Cần Thơ về việc xin không tiếp tục làm chủ đầu tư hoặc bổ sung nhân sự để thực hiện dự án. Hiện, Sở Y tế Cần Thơ vẫn đang chờ ý kiến của UBND TP về đề xuất trên.

Cầu hơn 800 tỷ đồng chậm tiến độ 1 năm

Công trình cầu Trần Hoàng Na là công trình trọng điểm thuộc dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ làm chủ đầu tư với giá trị dự toán xây dựng 847 tỷ đồng.

Công trình cầu Trần Hoàng Na chậm tiến độ.

Khởi công ngày 18/9/2020, dự án dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, khi cận kề ngày dự kiến hoàn thành (cuối tháng 5/2022), dự án chỉ mới hoàn thành được khoảng 60%.

Thời điểm này, Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ cho biết, một trong những nguyên nhân dự án cầu Trần Hoàng Na chậm tiến độ do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến huy động nhân lực và thiết bị đến công trường. Giá vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến kế hoạch huy động tài chính, vật tư thi công của nhà thầu.

Theo Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ, một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là do năng lực tài chính của nhà thầu chính (CIENCO 1) hạn chế.

Đáng chú ý, Ban Quản lý dự án ODA Cần Thơ cho rằng một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là do năng lực tài chính của nhà thầu chính (CIENCO 1) hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai gói thầu.

Theo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, dự án chậm tiến độ 1 năm so với kế hoạch. Hiệp định vay vốn ODA sẽ được gia hạn thêm 2 năm và nhà thầu cũng có cam kết sẽ thực hiện hoàn thành dự án trong tháng 5/2023.

Ngoài các dự án trên, hiện TP Cần Thơ còn một số công trình chậm tiến độ giải ngân chậm như dự án kè Rạch Cái Sơn, dự án đường Hoàng Quốc Việt.

Tác giả: THANH TIẾN

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP