Ảnh minh họa |
Tất cả đều chung một kịch bản: Bế tắc
Khanh tốt nghiệp Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Ra trường Khanh học thêm văn bằng 2 kế toán và đi làm cho một doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình công tác tại doanh nghiệp này, Khanh đã đem lòng yêu anh giám đốc tên là T. Anh T đã có vợ và hai con. Tuy nhiên, theo lời anh T thì vợ chồng anh mặc dù sống chung nhà nhưng thực chất đã ly thân. Họ không ngủ cùng nhau trong nhiều năm nay. Vì tin và yêu nên Khanh đã yêu anh T trong 5 năm. Cô từng phải đi phá thai hai lần vì chờ đợi đến ngày có danh phận với anh T. Nhưng sau bao nhiêu đêm khóc ướt gối thì bao lời hứa hẹn của anh T vẫn mãi chẳng thực hiện được. Quá bế tắc nên Khanh đã tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý.
Tương tự, chuyện của Loan xảy ra cách đây hơn 10 năm. Loan, 27 tuổi đem lòng si mê sếp của mình. Vì sự ngưỡng mộ của cô nhân viên, ông sếp trẻ thiếu trải nghiệm tình trường đã không cưỡng được sự đam mê “của lạ”. Họ cặp với nhau. Sau một thời gian “yêu” nhau, Loan đòi sếp hứa bỏ vợ. Ông sếp vì cũng mê đắm với nhân tình nên cứ hứa đại, thậm chí là ký vào sổ nhật ký của Loan. Nhưng hết ngày này qua tháng khác, ông sếp vẫn không chịu ly dị để “lấy” Loan. Sếp còn nói dối Loan là đã đưa đơn ra tòa nhưng tòa chưa giải quyết. Loan bí mật nhờ người bạn ở tòa án kiểm tra xem có đơn xin ly hôn của người tình hay không nhưng không hề thấy. Biết người tình nói dối, không phải một mà nhiều lần nhưng Loan vẫn không chịu từ bỏ. Vì quá si mê nên Loan đã làm tung tóe chuyện tình yêu của mình. Cuối cùng sếp Loan bị thuyên chuyển công tác, gia đình sếp cũng trở nên thất điên bát đảo một thời gian. Cũng may người vợ là người hiểu biết nên gia đình không tan vỡ. Còn với Loan, cô dường như biến mất khỏi thành phố sau những sóng gió tình trường do cô gây nên.
Sự biện hộ cho hành động sai lầm
Có một thực tế là trong “chuyện với đàn bà”, đàn ông (nhất là đàn ông ở những xã hội trọng nam khinh nữ) chỉ muốn thêm mà không bao giờ muốn bớt. Họ không bao giờ muốn bỏ vợ nhưng vẫn rất muốn có được các cô nhân tình. Mà bi kịch là chị em, đặc biệt là các cô gái chưa chồng lại xem cái “muốn” đó của đàn ông là tình yêu. Đàn ông có vợ, ngày xưa đến với vợ cũng vì tình dục. Nay họ đến với người tình cũng theo cách đó. Và “tình” với vợ hay “tình” với người tình cũng sẽ đi vào đoạn cuối con đường một cách tự nhiên, không cần tới sự cản trở ai cưỡng ép được. Chỉ khác ở chỗ, với vợ, khi hết tình sẽ còn nghĩa bởi những ràng buộc huyết thống của con cái và gia đình hai bên. Còn với người tình, khi hết tình thì sẽ chẳng còn gì. Nếu người tình có con riêng, nếu là người tử tế, đàn ông sẽ vẫn có trách nhiệm với con. Nhưng nếu là người không tử tế, họ sẵn sàng biến mất khỏi cuộc đời người phụ nữ như một sự chạy trốn và rũ bỏ trách nhiệm.
Cái “tình” ở đây chính là cái muốn được gắn kết chuyện đàn ông – đàn bà của đàn ông. Người phàm phu chúng ta thường nhầm tưởng sự muốn gắn kết đó là tình yêu, khoác lên nó bao huyễn mộng theo cách mà mỗi người mơ ước và tưởng tượng ra. Chính sự huyễn tưởng này mà nhiều cô gái đã bỏ quên mình, bỏ quên sự tự tôn bản thân để lao vào các cuộc tình “trái phép” đó, chấp nhận mọi sự cay đắng, thiệt thòi để được sống với cảm xúc của họ. Cảm xúc trước sự yêu chiều, cung phụng của đàn ông. Cảm xúc hạnh phúc vì cái tôi của họ được quan tâm, ve vuốt và thỏa mãn. Vì là cảm xúc nên họ nghĩ là thật. Vì tin là thật nên họ thấy là chính đáng, mặc dù người đời cho là không chính đáng. Nhiều cô gái tin vào cái gọi là “lý lẽ của trái tim” là vì vậy.
Cũng có một số trường hợp tin rằng, người đàn ông có gia đình đó không còn tình yêu với người vợ, rằng họ yêu mình và cần mình trong cuộc đời. Vì tin vào “lý lẽ của trái tim” nên mới có hiện tượng những cô nhân tình đi đánh ghen ngược, mắng ngược các bà vợ. Có người đợi người tình bỏ vợ. Có người gây sức ép, buộc người tình phải bỏ gia đình…
Theo các chuyên gia, trong hầu hết các cuộc tình với đàn ông đã có vợ thì con số trở thành chính thất (làm vợ) của các cô gái chưa chồng hoặc chị em đơn thân là rất thấp. PGS Trần Hữu Đức, chuyên gia tâm lý học cho rằng, trong 10 trường hợp thì chỉ có 2 - 3 người được trở thành chính thất nhưng trong đó không có cuộc hôn nhân nào hạnh phúc. Bởi khi còn “trái cấm” thì còn hấp dẫn. Khi không còn ràng buộc, không còn hiệu ứng “trái cấm” nữa, cả hai đến với nhau và thành vợ chồng thì… ngay lập tức nó bị phản ứng ngược.
Còn theo MC Trác Thúy Miêu, việc một cô gái yêu người đàn ông có vợ, nếu không lấy nhau là may mắn. Ngược lại, nếu họ lấy nhau mới là bi kịch. Họ không thể trở thành một cặp vợ chồng tử tế được bởi chúng bắt đầu bằng một cuộc tình từ cái mầm phạm lỗi. Cái mầm có lỗi đó… giống như hai tên cướp nhà băng cướp thành công rồi cùng giàu. Trong thâm tâm, hai tên đó đều nhủ thầm trong bụng rằng “Tao biết mày là thằng ăn cắp!”. Hai người này đến với nhau trong một gia đình mới gây dựng lại, rổ rá cạp lại thì người chồng vẫn luôn luôn “Tôi biết cô là hạng gái giật chồng ”, còn cô gái thì vẫn “Tôi biết anh là hạng đi lừa đảo phụ nữ. Anh lừa chính vợ anh thì làm sao tôi tin được!”. Đó mới chính là bi kịch lớn nhất mà khi yêu, vì sự mù quáng mà các cô gái không nhận thấy được.
Tác giả: Ngân Khánh
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội