Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), khẳng định nếu các trường cố tình đưa ra mặt bằng điểm đầu vào quá thấp, Bộ GD-ĐT sẽ cử đoàn kiểm tra toàn bộ điều kiện bảo đảm chất lượng của trường.
Tiêu chí thanh tra là gì?
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, việc thanh tra nhằm tránh tình trạng các trường ĐH vơ vét thí sinh (TS) cho đủ số lượng đã xin tuyển sinh. Nếu chất lượng đầu vào quá thấp, chắc chắn chất lượng chung cũng không bảo đảm.
Bà Phụng cho biết vì đề thi THPT quốc gia 2018 có sự phân hóa cao dẫn đến mặt bằng điểm thấp. Đó là lý do năm nay, điểm sàn vào các trường sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, điểm thi không chỉ phản ánh chất lượng mà còn phản ánh tương quan giữa học sinh và đề thi. Theo bà Phụng, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào rất nhiều khâu như chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra. Trong đó, chất lượng đầu vào vẫn là yếu tố tiên quyết bảo đảm chất lượng đào tạo.
Bà Phụng nhấn mạnh Bộ GD-ĐT rất quan tâm tới chính sách chất lượng các trường thông qua điểm sàn mà các trường dự kiến và sẽ công bố trong nay mai. Hiện phần lớn các trường đều công bố mức điểm sàn phù hợp với mặt bằng năm nay nhưng vẫn còn một số trường đưa ra điểm sàn rất thấp.
Trước quan điểm này, ông Lê Viết Khuyến - Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng ý định thanh tra của Bộ GD-ĐT không rõ ràng. "Điều kiện bảo đảm chất lượng phải đo bằng kiểm định, còn ở đây tiêu chí thanh tra của bộ là gì? Nếu trường có đủ các điều kiện đào tạo thì họ được phép tuyển sinh thôi" - ông Khuyến nói.
Theo chuyên gia này, về nguyên tắc, nếu đạt được một trình độ nào đó thì đương nhiên người ta đạt được điều kiện cần để học bậc cao hơn, còn có được nhận vào học hay không là do quyết định của mỗi trường.
Tư vấn xét tuyển vào ĐH cho thí sinh tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH |
Phải để xã hội đào thải
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng cần tôn trọng quyền tự chủ của các cơ sở ĐH. Năm nay, bộ không quy định điểm sàn chung cho các trường (ngoại trừ khối sư phạm). Việc các trường công bố mức sàn xét tuyển là 11, 12 điểm không đồng nghĩa là điểm chuẩn. Tuy nhiên, điều đó vẫn có thể xảy ra nếu lượng TS đăng ký thấp hơn so với chỉ tiêu.
Nếu Bộ GD-ĐT vẫn quy định điểm sàn thì năm nay, mức điểm đó sẽ khoảng 14 điểm. Thực tế, Vụ Giáo dục ĐH cũng đã gợi ý cho các trường ĐH về tỉ lệ dôi dư ở từng mức điểm, việc còn lại do các trường quyết định.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM cho rằng chất lượng đầu vào ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra. Khi chất lượng đầu vào thấp, rất khó bảo đảm được chất lượng nên tùy từng trường sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Những TS có chất lượng đầu vào thấp sẽ "rơi rụng" trong quá trình đào tạo nhưng nhiều trường ngoài công lập vì bảo đảm nguồn sống mà có thể chấp nhận mức điểm đầu vào thấp. Về lâu dài, thị trường lao động sẽ đào thải người lao động không đáp ứng được nhu cầu. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín các trường. Nhưng trước khi để thị trường đào thải, Bộ GD-ĐT phải kiểm soát được quá trình đào tạo của các trường.
Ông Khuyến phân tích để giữ tên tuổi, những trường có thương hiệu phải tuyển TS có điểm cao, còn những trường đang trong quá trình xây dựng thương hiệu thì phải chấp nhận chọn những TS điểm thấp hơn. Cái này là tự phân hóa, tự phân loại.
"Các nước họ không làm như mình. Trường tuyển sinh thấp quá, người học nghi ngờ thì người ta không học. Nếu không tuyển sinh được đành phải đóng cửa thôi. Theo tôi, nên để xã hội tự điều chỉnh, tất nhiên là với điều kiện mọi thông tin phải công khai, minh bạch và nên có các bảng xếp hạng cho các trường. Nếu xếp hạng chất lượng khó quá thì ban đầu xếp hạng về nguồn tuyển chẳng hạn" - ông Khuyến nói.
Trường ĐH công lập giảm điểm sàn xét tuyển Ngày 16-7, nhiều trường ĐH đã thông báo mức điểm tối thiểu tham gia xét tuyển ĐH chính quy năm 2018. Theo đó, Trường ĐH Kinh tế TP HCM nhận hồ sơ xét tuyển của TS có điểm từ 16 và từ 18 tùy theo ngành. Ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, marketing, tài chính ngân hàng, kế toán… điểm nhận hồ sơ từ 18. Điểm xét tuyển từ 16 đa số rơi vào các chuyên ngành như: kinh tế học ứng dụng, kinh tế nông nghiệp, kinh tế chính trị, thuế trong kinh doanh, thị trường chứng khoán… So với năm ngoái, điểm sàn xét tuyển của trường giảm trung bình 2-4 điểm (năm ngoái là 18 điểm). Đáng chú ý, Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG TP HCM năm nay lấy điểm sàn xét tuyển chỉ từ 15 trong khi năm 2017, mức điểm này là 18 cho các khối. Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM năm ngoái lấy điểm sàn xét tuyển từ 16,5-19 điểm, năm nay cũng hạ xuống mức 14-16. Cùng ngày, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng đã công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường. Theo đó, điểm sàn xét tuyển của Trường ĐH Công nghiệp tại cơ sở chính TP HCM từ 15,5-20,5 điểm tùy theo ngành. Ngành có điểm nhận hồ sơ cao nhất là luật kinh tế, kế đến là công nghệ kỹ thuật ô tô với 20 điểm. Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP HCM vừa thông báo ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào xét theo điểm thi THPT quốc gia của trường là 15 điểm cho tất cả các ngành, 18 điểm đối với phương thức xét điểm học bạ THPT. LÊ THOA |
Điểm sàn sư phạm: ĐH 17 điểm Chiều 16-7, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 đã thông báo ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào các trường đào tạo giáo viên năm 2018. Theo đó, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào ĐH đối với TS thi THPT quốc gia là 17 điểm cho tất cả tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi. Mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ là 15 điểm, trung cấp là 13 điểm. Đây là ngưỡng điểm đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3. |
Tác giả: YẾN ANH - HUY LÂN
Nguồn tin: Báo Người Lao Động