Từ đầu tháng 10 đến nay, hàng loạt ngân hàng (NH) đã tăng lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi) tiền đồng. Thậm chí chỉ trong một thời gian ngắn, một số NH đã điều chỉnh tăng 2-3 lần lãi suất huy động.
Lãi suất tiền gửi lên đến 8,6%/năm
NH Sài Gòn-Hà Nội (SHB) mới đây đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức 7,8%/năm với loại hình tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Như vậy, so với biểu lãi suất trước đó, SHB đã tăng thêm lãi suất tiền gửi tới 0,6%/năm.
Không chỉ điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút khách hàng gửi tiền đối với các kỳ hạn trung và dài hạn, SHB còn tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng. Cụ thể, NH này tăng 0,1%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi các kỳ hạn 3-5 tháng, áp dụng cho tất cả loại hình.
Tương tự, tại VPBank, sau lần tăng vào tháng 10, đến đầu tháng 11 NH này lại điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1% so với một tháng trước đó. Đến cuối tháng 11, VPBank lại tiếp tục công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới.
Theo đó, khách hàng được cộng tới 0,5% cho các kỳ hạn 6-12 tháng với lãi suất lên tới 7,7%-7,8%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, lãi suất được cộng thêm 0,6%-0,7%/năm. Chẳng hạn ở kỳ hạn 18 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất 7,7%-7,9%/năm tùy vào mức tiền gửi.
Một loạt NH khác như ACB, Techcombank, Viet Capital Bank… cũng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Trong đó Viet Capital Bank tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%, lên mức 8,6% ở bốn kỳ hạn dài 2-5 năm. Với kỳ hạn 18 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi khá cao là 8,5%/năm.
Đáng chú ý, ngoài việc trực tiếp tăng lãi suất huy động, các NH còn thi nhau áp dụng các chương trình cộng lãi suất, tặng quà, khuyến mãi… để hút thêm tiền gửi từ người dân.
Ví dụ tại BaoVietBank, khách hàng gửi mới hoặc tái tục các món tiền gửi của một trong các sản phẩm như tiết kiệm cuối kỳ, tiết kiệm lãi suất lũy tiến, tiết kiệm lĩnh lãi định kỳ… sẽ được áp dụng biểu lãi suất mới lên đến 8,2%/năm. Đồng thời khách hàng còn được tặng coupon cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên đến 0,2%/năm hoặc được tham gia quay số trúng thưởng với các giải thưởng giá trị như xe máy Vespa, iPhone XS…
Nhu cầu vay tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao vào thời điểm cuối năm. Trong ảnh: Khách hàng đang vay tiền. Ảnh: TL |
Nhiều áp lực lên lãi suất
Lý giải vì sao lãi suất huy động tăng mạnh dịp cuối năm, Tổng Giám đốc NH SHB Nguyễn Văn Lê cho biết: “Nhu cầu vốn của khách hàng đang dần tăng trong những tháng cuối năm, không chỉ với doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân cũng muốn vay để mua nhà, xe, tiêu dùng... Vì thế SHB đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn tương đối dồi dào để cung ứng và chủ động phục vụ nhu cầu vốn tăng cao”.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của NH BIDV, phân tích có ba nguyên nhân khiến các NH phải nâng lãi suất huy động trong thời gian qua. Thứ nhất, các NH tăng cường huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay tiền dịp cuối năm tăng cao hơn bình thường.
Thứ hai, các NH phải huy động vốn đáp ứng yêu cầu của Thông tư 19/2018 của NH Nhà nước. Đó là từ ngày 1-1-2019, các NH chỉ được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thay vì 45% như hiện nay. Vì vậy các NH phải chuẩn bị nguồn vốn nhiều hơn, kể cả ngắn, trung và dài hạn.
Thứ ba, một số NH bắt đầu phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp hai nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vốn cũng như chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II trong thời gian tới.
Mặc dù lãi suất tiền gửi liên tục tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất đầu ra (cho vay), tuy nhiên TS Cấn Văn Lực nhận định: Về cơ bản, lãi suất đầu ra khó có thể tăng mạnh. Bởi lẽ NH Nhà nước đang nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định.
“Nhưng để làm được điều này (tức là tăng lãi suất cho vay, PV), các NH cần quản lý chi phí tốt hơn, đa dạng hóa dịch vụ để bù đắp thiếu hụt chi phí cho lãi suất” - TS Lực khuyến nghị.
Chuyên gia tài chính NH - TS Nguyễn Chí Hiếu thì nhận định từ nay đến cuối năm, khả năng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng nhưng tăng ở mức nhẹ. Thậm chí sang năm 2019, việc ổn định lãi suất tiền đồng, kiểm soát lạm phát vẫn gặp nhiều áp lực.
Về phía khách hàng, ông Hiếu cho rằng việc lãi suất huy động tăng khiến gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn trong bối cảnh chứng khoán tăng, giảm bấp bênh; thanh khoản trên thị trường bất động sản có xu hướng giảm... Ngược lại, với các doanh nghiệp, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí tài chính, từ đó tăng chi phí sản xuất, kinh doanh.
“Do đó, các doanh nghiệp có thể bù trừ vào chi phí phát sinh do lãi suất tăng bằng cách phát hành trái phiếu, cắt giảm những chi phí không cần thiết” - TS Hiếu khuyến cáo.
Thanh khoản chưa có biểu hiện căng thẳng
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nhận định: Việc tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian vừa qua chủ yếu là động thái mang tính thời vụ. Lý do là các NH đẩy mạnh hút tiền nhàn rỗi để sẵn sàng nguồn vốn cho doanh nghiệp vay dịp đầu năm mới 2019.
Tuy vậy, theo ông Minh, hiện lãi suất cho vay tại các NH thương mại trên địa bàn TP vẫn ở mức tương đối ổn định. Lãi suất cho vay thông thường đối với tiền đồng hiện phổ biến ở mức 6,5%-8,9%/năm đối với ngắn hạn; đối với cho vay trung và dài hạn ở mức 8,5%-11%/năm.
“Mọi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trên địa bàn TP vẫn được đáp ứng đầy đủ và thanh khoản của hệ thống không có biểu hiện căng thẳng” - ông Minh nói.
Tác giả: THÙY LINH
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM