Trong nước

Lạ lùng người hiến tạng phải trả chi phí xét nghiệm

Chi phí xét nghiệm hiến tạng do chính người hiến chi trả. Đây chính là một rào cản đối với hoạt động tình nguyện hiến, tặng mô, tạng cứu người.

Một ca ghép phổi vừa được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện 108 thực hiện thành công

Quy định cản trở người hiến tạng

7 năm trước, chị Đặng Thị K. (Yên Phong, Bắc Ninh) được ghép thận và người cho tặng thận chính là mẹ ruột của chị. Chị K. cho hay: “Lúc đó, cả bố và mẹ tôi đều phải đi làm các xét nghiệm xem ai hợp để hiến thận ghép cho tôi. Và may mắn mẹ tôi có thể hiến thận cứu tôi. Toàn bộ chi phí xét nghiệm các chỉ số cho mẹ tôi - người hiến thận phải tự chi trả".

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, toàn xã hội đang đẩy mạnh khuyến khích việc tình nguyện hiến tặng mô, tạng không vụ lợi, vì mục đích cứu chữa người bệnh từ người hiến sống hay sau khi chết. Tuy nhiên, trên thực tế, để được hiến tặng mô, tạng, đều phải qua một loạt các xét nghiệm y học nghiêm ngặt, chặt chẽ bảo đảm tính tương thích, hòa hợp giữa người hiến và người ghép. Hiện, các chi phí xét nghiệm này lại do người tình nguyện hiến tặng phải chi trả. “Đây là một lỗ hổng về chính sách để khuyến khích đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống”, ông Phúc cho hay.

Ông Phúc chỉ ra rằng, một người hiến tạng, sẽ cứu sống một người suy thận, suy gan... điều này giúp giảm chi phí BHYT rất nhiều. “Một người chạy thận nhân tạo, 1 tuần có thể vào bệnh viện 3 lần, mỗi lần BHYT phải thanh toán toàn bộ chi phí (khoảng 1 triệu đồng). Nếu tính một tháng, một năm con số ấy sẽ là bao nhiêu lần? Đó là chưa tính các chi phí khác mà quỹ bảo hiểm phải thanh toán. Nếu được ghép thận, người được ghép trở về với cuộc sống bình thường và chỉ còn sử dụng thuốc chống thải ghép. Khoản chi trả đó sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc phải chi trả điều trị dài lâu”, ông Phúc cho biết.

Theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu TƯ, đơn cử như một người muốn hiến tủy xương cho bệnh nhân ghép tế bào gốc, bắt buộc phải thực hiện bộ xét nghiệm HLA với tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng“. Họ sẵn sàng hiến tủy xương nhưng bỏ ra 20 triệu đồng là rào cản với nhiều người”, ông Trí cho biết.

Theo thống kê từ Trung tâm Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến nay có khoảng 3 nghìn ca ghép thận được thực hiện, đây chủ yếu là các ca ghép tạng từ người hiến sống.

Cần hỗ trợ tối đa để khuyến khích người hiến tạng

Để tăng cường số người hiến tặng mô, tạng nhân đạo, vì lợi ích của cộng đồng và góp phần chống lại hiện tượng mua bán nội tạng gây bất ổn cho xã hội, theo ông Phúc cần có quy định tôn vinh xứng đáng sự hy sinh và nghĩa cử cao đẹp của người đã hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết não. Theo đó, đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống, dù là người thân cùng huyết thống hoặc người hiến tặng vô danh cũng cần được ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm, đánh giá đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng... Đồng thời, được thanh toán toàn bộ chi phí mổ lấy mô, tạng, chi phí chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến tặng và chi phí định kỳ khám sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tặng hoặc nơi gần nhất, theo yêu cầu của người hiến.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho rằng: “BHYT có nguyên tắc chi trả theo hướng đóng - hưởng và theo Luật BHYT, bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí khám, chữa bệnh. Hiện các hoạt động xét nghiệm hiến mô, tạng chưa được xếp vào khám, chữa bệnh”. Tuy nhiên, cũng tương tự như máu, vẫn tính ra tiền 1 đơn vị máu để qua đó có thể thanh toán BHYT sau khi sản phẩm đó được dùng trong điều trị bệnh. Giá 1 đơn vị máu (thu từ nguồn hiến tặng) cũng đã được tính gồm nhiều chi phí từ sáng lọc, xét nghiệm, lưu trữ... Các sản phẩm mô, tạng được hiến, tặng nên chăng cũng quy chuẩn thành mức giá, trong đó có bao gồm tất cả các chi phí để cho ra 1 sản phẩm tạng hiến, khi ghép BHYT sẽ thanh toán… Thế nhưng, trung tâm cần hình thành quỹ để chi trả trước các chi phí xét nghiệm, BHYT thanh toán sẽ chi trả lại cho trung tâm sau khi đã dùng tạng hiến cứu người bệnh”, ông Toàn cho biết.

“Khi vận động hiến mô, tạng, chúng ta không chỉ phải quan tâm đến người được ghép mà phải quan tâm đến cả người hiến. Như vậy mới là một hoạt động nhân đạo bền vững. Vì vậy, cần có chính sách hợp lý để có thể vận động nhiều người tham gia hiến bộ phận cơ thể để cứu người”, ông Trí chia sẻ.

Quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người: Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; Được cấp thẻ BHYT miễn phí; Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

(Theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phậncơ thể người và hiến, lấy xác)

Tác giả: Vũ Vũ

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP