Thế giới

Ký ức về trùm phát xít Hitler của người hàng xóm 9 năm chung vách

Hitler không hề biết rằng gia đình hàng xóm sống cạnh mình suốt 9 năm lại là những người Do Thái vốn bị ông ta coi là kẻ thù.

Edgar Feuchtwanger nhớ lại quãng thời gian ở Đức. Ảnh: NYTimes


Edgar Feuchtwanger, giáo sư Do Thái 91 tuổi sống tại Anh, từng là láng giềng suốt 9 năm với Adolf Hitler tại tòa nhà Prinzregentenplatz ở Munich. Hitler chuyển tới ở cạnh nhà Feuchtwanger năm 1929 khi đang trên đà thăng tiến sự nghiệp. Năm 1932, khi mới 8 tuổi, Feuchtwanger lần đầu gặp Hitler bên ngoài tòa nhà, một năm trước khi Hitler trở thành thủ tướng Đức.

"Khi đó tôi đang được vú nuôi đưa đi dạo", ông Feuchtwanger nhớ lại. "Tôi đi ngang qua cửa chính nhà ông ta ngay lúc ông ấy bước ra. Tôi thấy ông ta và ông ta cũng thấy tôi. Ông ấy nhìn tôi khá hiền từ".

"Cùng lúc đó, một số người trên phố lập tức hô câu khẩu hiệu 'Heil Hitler' (Chào Hilter)", ông Feuchtwanger kể thêm.

Sau khi Hitler trở thành thủ tướng Đức năm 1933, mọi thứ thay đổi. Mẹ của Feuchtwanger phàn nàn rằng bà không nhận được sữa vì người giao hàng mang thêm sữa cho Hitler. Lính Đức chuyển đến căn hộ dưới nhà ông và đứng gác ở vỉa hè bên ngoài.

Ông Feuchtwanger tin rằng nếu ngày đó trùm phát xít biết mình là ai thì ông không thể sống sót tới giờ. Ngoài việc là người Do Thái, Feuchtwanger còn là cháu của Lion Feuchtwanger - tiểu thuyết gia nổi tiếng được xem như "kẻ thù cá nhân" của Hitler. Một trong những cuốn sách của ông Lion có tên "Thành công" đã khắc họa một nhân vật giống như Hitler, có tên Rupert Kutzner.

Edgar Feuchtwanger thời niên thiếu. Ảnh: NYTimes


Do là người Do Thái, Feuchtwanger không phải đăng ký tham gia đội Thiếu niên Hitler. Tuy nhiên, ở trường, ông cũng không thể tránh khỏi tư tưởng phát xít.

"Khi đó tôi có một giáo viên bị phát xít hóa tới 150%", Feuchtwanger nói. "Tất nhiên, tôi được dạy rằng phải làm những gì giáo viên dạy". Do đó, khi giáo viên yêu cầu vẽ tờ tuyên truyền phát xít, cậu bé Edgar không thể làm khác.

Khi được hỏi liệu ông có hiểu việc mình làm không khi ở lứa tuổi còn quá nhỏ, ông Feuchtwanger nói ông biết đó là công việc xấu, nhưng phải làm những gì giáo viên nói. "Giáo viên của tôi là một quý bà rất lôi cuốn, đầy nhiệt huyết và rất hào hứng về đề tài đó", ông kể.

Những thay đổi âm thầm của nước Đức bùng nổ vào tháng 11/1938. Khắp nước Đức, người Do Thái trở thành mục tiêu bị tấn công, còn hoạt động kinh doanh của họ bị hủy hoại.

Cha của Feuchtwanger, một nhà xuất bản có tiếng, đã bị đưa tới Dachau, khu trại tập trung đầu tiên của Đức quốc xã. Giới chức Đức tịch thu hầu hết bộ sưu tập sách đồ sộ của gia đình.

"Khi đó chúng tôi không biết liệu có được gặp ông ấy không", ông Feuchtwanger nói. Nhưng thật bất ngờ, sau 6 tuần, cha của ông được trả tự do.

"Tôi nghĩ toàn bộ mọi chuyện được dựng lên không phải để bắt giữ mọi người, mà khiến họ lo sợ và rời đi", ông Feuchtwanger nói. "Dù sao khi đó những thứ như trại Auschwitz (trại tập trung tàn bạo của phát xít Đức) chưa ra đời. Không ai thực sự tiên đoán được mọi chuyện sẽ cực đoan đến mức đó".

Cuối cùng gia đình Feuchtwanger chuyển tới sống tại Anh, nơi Edgar Feuchtwanger trở thành một giáo sư sử học nổi tiếng.

Ông Feuchtwanger cho biết điều đáng ngạc nhiên là giới chức Đức khi đó không hề phát hiện ra gia đình ông có liên quan tới Lion Feuchtwanger. "Nếu họ phát hiện ra chúng tôi là những họ hàng thân thiết nhất của Lion, chắc hẳn giờ tôi không thể ở đây", ông nói.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP