Trong nước

Ký ức của người lính cảm tử quân từng được 2 lần truy điệu sống trên chiến trường ác liệt

Đứng trong hàng ngũ Đội cảm tử quân chuyên rà phá bom mìn của quân giặc thả xuống chiến trường, ông Thiện từng được đồng đội truy điệu sống 2 lần trước khi vào làm nhiệm vụ.

Cảm tử quân với 2 lần được truy điệu sống

Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng ký ức về những ngày khói lửa chiến trường vẫn in đậm trong tâm trí ông Lại Đăng Thiện (SN 1947, trú xóm 6, xã Nghĩa Bình, Tân Kỳ) như mới diễn ra những ngày qua.

Ông Thiện kể, mùa hè năm 1965 khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã viết đơn xin lên đường nhập ngũ phục vụ Tổ quốc. Đây cũng là khoảng thời gian cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất nhưng với sức trẻ, tinh thần mãnh liệt, ông Thiện quyết chí dành trọn hơi thở của mình cho đất nước.

Sau khi làm đơn xin nhập ngũ, ông Thiện được biên chế vào Đội cảm tử quân thuộc Tiểu đoàn 27 Công binh, Quân khu IV.

Người lính cảm tử quân Lại Đăng Thiện vẫn không thể nào quên những ngày tháng làm nhiệm vụ rà phá bom mìn trên chiến trường ác liệt.

Đơn vị của ông Thiện có nhiệm vụ rà phá bom từ trường ở những bến phà, cây cầu. Đây đều là những "điểm nóng" trên tuyến đường chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam. Chính vì vậy, những nơi này lượng bom mìn của giặc ném xuống nhiều vô kể.

Công việc rà phá bom mìn quan trọng, góp phần đảm bảo con đường chi viện vào miền Nam luôn được thông suốt, an toàn. Cũng chính vì nhiệm vụ quan trọng thì công việc này lại vô cùng nguy hiểm.

Những người làm việc rà phá bom mìn được coi là cảm tử quân. Những vị trí làm việc được ví như miệng tử thần, bởi những quả bom từ trường có thể phát nổ và cướp đi sinh mạng của các chiến sỹ bất cứ lúc nào.

Thành viên Đội cảm tử quân đều là những con người dũng cảm, mưu trí, gan dạ. Mỗi lần lái ca nô ra sông đi rà phá bom đều là những lần đi giữa lằn ranh của sống - chết.

Nhưng điều đó không làm chùn chân họ, bởi những chiến sỹ cảm tử quân biết rằng, quân dân miền Nam đang đợi, đường Bắc - Nam phải thông cho kịp những chuyến hàng.

Trong giai đoạn từ năm 1965 - 1973, chiến sỹ cảm tử quân Lại Đăng Thiện đã cùng với đồng đội vào sinh ra tử ở những trọng điểm ác liệt như cầu Hoàng Mai, phà Bến Thủy (Nghệ An); phà Linh Cảm, cầu Nghèn (Hà Tĩnh), phà sông Gianh, phà Long Đại (Quảng Bình). Đây đều là những nơi mà địch rải thảm đủ loại bom đạn dày đặc.

"Nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm nên Đội cảm tử quân nhiều lần làm nhiệm vụ đều được truy điệu sống. Riêng tôi cũng được đồng đội truy điệu sống 2 lần", ông Thiện chia sẻ.

Lần thứ nhất là vào tháng 11/1967. Thời điểm này ở bến phà Long Đại (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bị địch thả bom từ trường dày đặc. Nhiều phương tiện, hàng hóa bị mắc kẹt lại ở phía bờ Bắc không thể tiếp viện cho chiến trường miền Nam.

Lãnh đạo quân khu ra chỉ thị cho Tiểu đoàn 27 bằng mọi cách phải nổi bến, thông phà. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng ca nô kích bom từ trường nổ. Để làm được điều này, tổ lái ca nô đi trên sông dò bom đòi hỏi phải thuần thục, khéo léo và quan trọng hơn là tinh thần cảm tử, không sợ chết.

Trước khi làm nhiệm vụ, tổ lái ca nô gồm các chiến sĩ Lại Đăng Thiện, Hà Huy Ty, Nguyễn Văn Thương, Đậu Anh Côi được đơn vị tổ chức lễ "truy điệu sống".

Khi lời điếu văn của đồng chí tiểu đoàn trưởng vừa dứt lời thì 4 cánh tay mạnh mẽ giơ lên cùng hô vang lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc".

Lời thề vừa dứt, cả tổ lái nổ máy lướt ca nô lao trên sông đi về phía bờ Nam để làm nhiệm vụ rà bom. Thật may mắn, lần này, cả 4 chiến sỹ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về trong sự vui mừng, xúc động của đồng đội.

Với những chiến công của mình, ông Lại Đăng Thiện đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng khen Dũng sĩ phá bom ưu tú...

Lần thứ hai diễn ra vào năm 1968. Lúc này tổ nhiệm vụ gồm ông Lại Đăng Thiện, Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình, Vũ Ngọc Chương được lệnh lái ca nô làm nhiệm vụ rà bom để thông phà Linh Cảm (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) sau 2 ngày đêm bị bom từ trường khống chế.

"Đây là tọa độ lửa khi nằm giữa ngã 3 sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Đây là chốt chặn trên đường vào Nam hoặc sang Lào. Vì thế lượng bom đạn ném xuống nhiều vô kể", ông Thiện nhớ lại.

Trước lúc lao mình vào trận địa dày đặc bom để rà phá, tổ lái ca nô một lần nữa đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống với đầy đủ thủ tục như đọc điếu văn, tuyên thệ.

Sau những lời truy điệu, ông Lại Đăng Thiện cùng với Nguyễn Xuân Tình lái 19 vòng ca nô, kích nổ được 12 quả bom từ trường. Dù hoàn thành nhiệm vụ nhưng lần này, người đồng đội Vũ Ngọc Chương đã anh dũng hy sinh sau khi lái ca nô qua 4 vòng. Riêng chiến sỹ Đậu Anh Côi bị thương nặng.

Làm nhiệm vụ nguy hiểm, người lính Lại Đăng Thiện từng được 2 lần truy điệu sống.

Hết chiến tranh trở về quê làm nghề y cứu người

Khi chiến tranh kết thúc, ông Thiện trở về quê nhà. Còn sức và muốn cống hiến cho cuộc đời, ông Thiện nổ lực học tập và trúng tuyển vào lớp Y16 chuyên Khoa sản của Trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh. Ông Thiện sau đó xung phong về Trạm Y tế xã nơi mình sinh sống để làm và giúp đỡ quê hương.

Thời điểm này, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu thốn thiết bị và thuốc men. Nhưng với những kiến thức học được và tâm của lương y, ông Thiện luôn là một người thầy thuốc giỏi, luôn hoàn thành nhiệm vụ mà không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào. 13 năm làm nghề cứu người, ông Thiện đã đỡ đẻ cho hơn 400 em bé chào đời khỏe mạnh.

Ông Lại Đăng Thiện hiện đã cho ra mắt nhiều tập thơ với gần 100 bài.

Năm 1991, ông Lại Đăng Thiện nghỉ hưu trở về nhà tiếp tục vui vầy với ruộng vườn, nhà cửa. Rảnh rỗi, ông Thiện lại lấy câu thơ làm niềm vui cho cuộc sống và tái hiện lại một thời khói lửa chiến trường xưa.

Hiện ông Thiện đã viết tập "Nhật ký thơ" với gần 100 bài thơ. Từ năm 2011 đến nay, các tác phẩm của ông Lại Đăng Thiện đã được xuất bản thành 3 tập thơ với tên "Cung trầm", "Thì thầm lời quê", "Lặng lẽ miền thơ".

Tác giả: Ngọc Tú

Nguồn tin: ttvn.toquoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP