Giáo dục

Ký túc xá cần mở phòng tư vấn tâm lý vì sinh viên stress quá nhiều

Theo các chuyên gia, sinh viên cần được tư vấn tâm lý kịp thời từ những việc nhỏ nhất như bị điểm kém, để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra

Thời gian gần đây, vấn đề người trẻ như sinh viên lo âu, căng thẳng dẫn đến những kết thúc không đau lòng ngày càng nhiều. Do đó, trong buổi làm việc giữa ban quản lý trung tâm ký túc xá ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, hai bên đã đề cập vấn đề tư vấn tâm lý cho sinh viên ngay chỗ ở.

Sinh viên tại ký túc xá ĐHQG TP HCM. Ảnh: ĐHQG TP HCM

Tại buổi làm việc, TS Nguyễn Thị Kim Loan – Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - bày tỏ mong muốn phối hợp với KTX ĐHQG để mở phòng tư vấn tâm lý cho sinh viên. Theo TS Kim Loan, ở độ tuổi đang học ĐH, sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ, cần được tư vấn tâm lý kịp thời từ những việc nhỏ nhất như bị điểm kém, để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

"Tư vấn tâm lý cho sinh viên rất quan trọng ở việc đảm bảo sự riêng tư, cho nên nếu thực hiện tổ chức tư vấn tâm lý thì cần có những phòng riêng và những chuyên gia tư vấn giỏi", bà nói

Ông Tăng Hữu Thủy – Giám đốc Ký túc xá ĐHQG TP HCM ủng hộ đề xuất của Nhà trường và khẳng định sẽ có những sự hỗ trợ trong khả năng để cùng Nhà trường nâng cao chất lượng sống cho sinh viên.

Cũng về vấn đề tâm lý sinh viên, vừa qua, đề tài Ứng phó với stress học tập ở sinh viên của Nguyễn Ngọc Quang và Nguyễn Linh Chi, khoa tâm lý học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đã đạt giải Nhất cuộc Sinh viên Nghiên cứu khoa học năm 2018. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 157 sinh viên trường và xác định được 12 nguồn gây nên stress trong học tập. Trong đó, 50% sinh viên chọn các nguồn gây stress phổ biến là: Kết quả học tập, các bài kiểm tra, đánh giá, khối lượng và mức độ khó của bài tập.

Số lượng sinh viên stress ngày càng nhiều

Theo nghiên cứu, việc khó khăn trong việc thích ứng với môi trường ĐH là nguyên nhân chính khiến sinh viên năm nhất stress. Cụ thể, đó là chưa thích ứng được phương thức tổ chức học tập, phương pháp giảng dạy hay cách ôn thi cuối học kỳ. Đối với sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4, nguyên nhân stress đến từ việc thiếu nguồn tài liệu phong phú và đảm bảo chất lượng phục vụ cho việc làm các bài tiểu luận hay nghiên cứu có thể gây nên stress cho sinh viên.

Được biết, vấn đề sinh viên stress cũng khiến các trường ĐH trên thế giới đau đầu. Ở các nước, để giảm stress cho sinh viên, nhà trường đã thực hiện nhiều nỗ lực như cho phép sinh viên nuôi thú cưng, mở nhà banh, các phòng tập thiền... trong khuôn viên trường và ký túc xá.

Tác giả: H. Nhiên

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP