Giáo dục

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018: Các tỉnh tiếp tục bị đưa vào diện nghi vấn nói gì?

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sau gần 2 ngày đêm làm việc căng thẳng, tổ công tác vẫn tiếp tục rà soát về những nghi vấn trong các bài thi ở tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Tại 4 tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu và Kon Tum cũng đang khẩn trương kiểm tra...

Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT rà soát quy trình tổ chức thi tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: PV

Không có em nào con lãnh đạo

Ngày 20/7, đại diện trường THPT chuyên Sơn La (tỉnh Sơn La) đã thông tin đến báo chí về nghi vấn điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 của tỉnh này cao bất thường khi học sinh khối chuyên khoa học xã hội có điểm cao vượt trội ở các môn Tự nhiên và tiếng Anh.

Cụ thể, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, có 2 thí sinh của tỉnh Sơn La đạt điểm cao thuộc nhóm đứng đầu cả nước, đều học tại Trường THPT chuyên Sơn La. Theo đó, em N.D có điểm thi Toán 9,6; Ngữ văn 9,0; Lịch sử 10; Địa lý: 8,25; Tiếng Anh 10. Điểm trung bình là 9,37. Em B.N có điểm thi 6 môn là Toán 9,8; Ngữ văn 8,75; Lịch sử 7,5; Địa lý 8,25; Giáo dục Công dân 8,0; Tiếng Anh 9,8. Điểm trung bình là 8,68.

Tuy nhiên, trong đợt thi thử do nhà trường tổ chức vào tháng 3/2018, em N.D có số điểm các môn thi chỉ ở mức trung bình, cụ thể là: Toán 6,4; Văn 6,5; Tiếng Anh 5,8; Sử 5,5; Địa 4,25; Giáo dục công dân 5,5. Điểm thi thử các môn của em B.N chỉ đạt: Toán 5,0; Văn 4,0; Tiếng Anh 1,2; Sử 6,5; Địa 6,5; Giáo dục công dân 5,25.

Lý giải vì sao giữa điểm thi thử và điểm thi thật có sự chênh lệch cao như vậy, đại diện Trường THPT chuyên Sơn La cho rằng, nhà trường dự kiến tổ chức thi 3 lần nhưng thực tế chỉ tổ chức thi một lần vào tháng 3. Trong lần thi đầu đó, nhiều em chưa biết cách tô, tô bằng bút mực, tô sai mã đề, tô 2 đáp án. “Nhà trường tổ chức chấm bằng máy và không chấm lại để các em rút kinh nghiệm. Lần thi thử chỉ để cho các em tập dượt nên phần lớn học sinh đạt điểm thấp”, đại diện nhà trường nói.

Thầy Lò Văn Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Văn năm học 2017 - 2018 (lớp có thí sinh thủ khoa của cả nước khối D1, với số điểm 28,6) cho biết: “Em này có nguyện vọng 1 vào ngành nghiệp vụ cảnh sát, tổ hợp Toán - Văn - Sử, tức khối C3. Lớp có 100% học sinh nữ nhưng khá nhiều bạn đăng ký nguyện vọng vào các trường an ninh, cảnh sát”.

Khi hỏi về “thân thế” các học sinh của mình, thầy Sơn khẳng định không có em nào con lãnh đạo cấp huyện, cấp sở, cấp tỉnh. Về câu hỏi điểm số học sinh nêu trên có tương ứng với năng lực học ngày thường ở lớp, thầy Sơn cho biết, vì là giáo viên thể dục nên không nắm được cụ thể năng lực học các môn văn hóa của các học sinh. Còn việc một học sinh chuyên Văn nhưng điểm Toán, tiếng Anh đạt mức xuất sắc trong bối cảnh đề thi năm nay rất khó, thầy Sơn khẳng định, ông vẫn tin tưởng vào các em. Phía nhà trường cũng bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sớm làm rõ việc này để chấm dứt những nghi ngờ, đồn đoán.

35 chiến sĩ đã "học ngày, học đêm"

Pho tô - một công đoạn chấm thí trắc nghiệm.

Cũng trong ngày 20/7, ông Đỗ Đình Viên, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 (thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động - K20) cho biết, 35 thí sinh bị nghi ngờ về điểm số đều là chiến sĩ nghĩa vụ của đơn vị mình. Việc lùm xùm trên mạng xã hội khiến mọi người ở đây đều rất buồn và bức xúc.

Trong quá trình ôn thi, Ban chỉ huy tiểu đoàn xây dựng nghị quyết chỉ đạo, chuyên đề về công tác ôn thi, thành lập lớp, mời nhiều cán bộ có kinh nghiệm tham gia giảng dạy lớp học. Tại đây cũng thường xuyên mời các giảng viên từ Hà Nội và các giáo viên của trường chuyên đến ôn luyện cho các em.

“Các chiến sĩ cũng rất bức xúc trước nghi vấn kết quả thi bất thường. Nhiều chiến sĩ học ngày học đêm, học giờ hành chính, tối về lại học, học online nữa. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào công tác tổ chức kỳ thi và quá trình coi thi. Một thực tế nữa là các chiến sĩ đều có học lực khá trở lên và không hề có học lực trung bình như một số báo thông tin”, ông Viên thông tin.

Về 35 thí sinh tự do có điểm thi cao gặp phải những nghi vấn, đại diện Tiểu đoàn 2 khẳng định không có chuyện các thí sinh này là con em lãnh đạo, hoặc cán bộ cấp cao.

Cùng trong thời gian này, tổ công tác của Bộ GD-ĐT do ông Sái Công Hồng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT) dẫn đầu vẫn tiếp tục rà soát các quy trình tổ chức thi và chấm thi ở Lạng Sơn. Chia sẻ thông tin ban đầu với phóng viên, ông Hồng cho biết: “Đoàn đang rà soát theo quy trình xác minh của tổ công tác, trong đó có rà soát các quy trình tổ chức thi, thi và chấm thi. Hiện tại, các bước đang cố gắng nhanh nhất để công bố kết quả cho dư luận an tâm”.

4 tỉnh khẳng định thi "nghiêm túc"

Qua theo dõi kết quả điểm số của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT Lê Trường Tùng đã chỉ ra trong khối B, Kon Tum và Điện Biên đứng đầu trong tỉ lệ thí sinh điểm cao. Cụ thể, Kon Tum là địa phương đứng đầu cả nước có tỉ lệ thí sinh khối B đạt 24 điểm trở lên, xếp thứ 2 là Điện Biên.

Ở ngưỡng tỉ lệ thí sinh 25,5 điểm trở lên, Kon Tum đứng thứ 3, sau Hà Giang, Lai Châu. Tiếp tục đứng đầu các địa phương có thí sinh khối B đạt điểm 27 trở lên vẫn những cái tên “quen thuộc” gồm: là Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Sơn La.

Kết quả thống kê dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT công bố cũng cho thấy, Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao về tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi.

Chiều 20/7, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết: Sở đã làm đúng theo quy trình các khâu của kỳ thi THPT quốc gia, không có sự can thiệp về điểm số. Ông Đắc cũng nhấn mạnh, nếu Bộ GD&ĐT thấy cần thiết, Sở GD&ĐT Hòa Bình sẵn sàng mời bộ về rà soát bài thi.

Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu thì cho hay, sở này đã nắm thông tin và chỉ đạo rà soát, trước hết là kiểm tra để xác định liệu phổ điểm tổ hợp xét tuyển A1 có thực sự cao bất thường không. Ông Tuấn nói thêm nhìn chung, quá trình coi thi ở tỉnh không có dấu hiệu bất thường. Năm nay, dù bão lũ, khó khăn, tỉnh đã cố gắng tổ chức thi nghiêm túc, đúng quy định. Quá trình chấm thi cũng diễn ra với đầy đủ cán bộ giám sát. Sở đã kiểm tra lại hệ thống, biên bản, quy trình. Những nội dung này đều đảm bảo.

Đại diện Sở GD-ĐT phía tỉnh Kon Tum cho rằng - mặc dù báo chí và chuyên gia phân tích như thế nhưng mặt chuyên môn tỉnh Kon Tum làm rất nghiêm túc, đúng quy chế thi, không có vấn đề gì bất thường. Năm nay, số lượng thí sinh của Kon Tum hơn 4.000 em, thí sinh xét tuyển bằng khối B không đáng kể. Cả tỉnh chỉ có một em trên 27 điểm ở khối B và em này là học sinh chuyên Toán, là học sinh giỏi.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cũng khẳng định tỉnh đã tổ chức thi và chấm thi nghiêm túc, đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. “Thí sinh thi như thế nào, kết quả ra sao đều được đưa lên phổ điểm, chúng tôi cũng không thể làm tăng lên hay giảm đi được. Máy chấm thi, chúng tôi không làm gì khác".

Đẩy nhanh việc chấm thẩm định

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2018 và các đơn vị liên quan. Theo Bộ trưởng Nhạ, sau 4 lần tổ chức, Kỳ thi THPT Quốc gia ngày càng tốt hơn, công tác kỹ thuật trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là khâu chấm thi ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Nếu tâm không sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả. Bộ trưởng Nhạ yêu cầu đẩy nhanh việc chấm thẩm định. Trong quá trình chấm, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý. Những giáo viên, cán bộ nào vi phạm sẽ cho ra khỏi ngành. Đối với thí sinh, nếu chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sẽ vẫn xử lý theo quy chế”.

Quang Huy

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP