Kỳ 1: Đi tìm loài cá lạ
Ngồi ăn canh rau rừng ở bản Sin Súi Hồ (Phong Thổ, Lai Châu), ông trưởng bản Vàng A Chỉnh dùng muôi múc cho tôi và nhà báo Nguyễn Xuân Tuấn (Báo Phụ nữ Việt Nam) và lương y Phạm Văn Thanh, người nổi tiếng cả nước với bài thuốc trị dạ dày, mỗi người một con cá, to bằng ngón tay, với một tinh thần cực kỳ trang trọng. Ông múc kèm thêm chút nước, vài lá rau rừng thả vào bát. Nhìn cách ăn hết sức tao nhã. Giống như món cá bớp nấu lá lốt ở thủ đô. Mỗi bát chỉ có một con nho nhỏ.
Nồi canh rõ to, rau nhiều, lõng bõng, mà chỉ có nhõn 3 con cá, đã yên vị trong 3 cái bát sành cổ lỗ sĩ của 3 vị khách, mà ái ngại. Ông trưởng bản Vàng A Chỉnh trịnh trọng kể rằng, đây là loài cá bản địa, cực quý, và chỉ có khách quý lắm mới được mời. Thứ cá này rất hiếm, bắt được nó là cả một sự kỳ công. Tuy nhiên, tất cả người dân ở Sin Súi Hồ đều đã được ăn nó, đã biết đến mùi vị của nó, nên việc dành nó cho khách là điều tất nhiên.
Ngồi ăn canh rau rừng ở bản Sin Súi Hồ (Phong Thổ, Lai Châu), ông trưởng bản Vàng A Chỉnh dùng muôi múc cho tôi và nhà báo Nguyễn Xuân Tuấn (Báo Phụ nữ Việt Nam) và lương y Phạm Văn Thanh, người nổi tiếng cả nước với bài thuốc trị dạ dày, mỗi người một con cá, to bằng ngón tay, với một tinh thần cực kỳ trang trọng. Ông múc kèm thêm chút nước, vài lá rau rừng thả vào bát. Nhìn cách ăn hết sức tao nhã. Giống như món cá bớp nấu lá lốt ở thủ đô. Mỗi bát chỉ có một con nho nhỏ.
Nồi canh rõ to, rau nhiều, lõng bõng, mà chỉ có nhõn 3 con cá, đã yên vị trong 3 cái bát sành cổ lỗ sĩ của 3 vị khách, mà ái ngại. Ông trưởng bản Vàng A Chỉnh trịnh trọng kể rằng, đây là loài cá bản địa, cực quý, và chỉ có khách quý lắm mới được mời. Thứ cá này rất hiếm, bắt được nó là cả một sự kỳ công. Tuy nhiên, tất cả người dân ở Sin Súi Hồ đều đã được ăn nó, đã biết đến mùi vị của nó, nên việc dành nó cho khách là điều tất nhiên.
Cá đắng, loài cá được dân bản gọi là 'cá sâm'
Rồi ông kể về một loài sâm từng có rất nhiều ở những dãy núi cao tít trong Sin Súi Hồ, sườn tây của đỉnh Fansipan. Nghe ông mô tả, thì tôi biết đó là sâm tiết trúc. Loại sâm ấy như con rết, mỗi năm mọc ra một đốt. Nó có ruột mà đen hoặc tím than.
Xưa kia, người Mông ở Sin Súi Hồ đi nương, leo núi mệt, cứ nhai miếng sâm ấy, mà tan biến mệt mỏi. Miếng sâm nhai thì đắng, nhưng sau đó thì vị ngọt dịu quánh ở lưỡi và họng. Giờ, giống loài ấy đã sắp tuyệt chủng, vì người Trung Quốc thu mua sạch sẽ. Người Việt cũng săn lùng, bỏ mấy chục triệu để mua một kg củ, nên có củ nhỏ xíu bằng cái đũa là đem bán cho đại gia, chứ chẳng dám ăn.
Sâm thì tôi cũng có chút hiểu biết về mùi vị, nhưng thấy ông Vàng A Chỉnh múc thứ cá đặc biệt cho ăn, mà lại kể về loài sâm quý, thì thấy hơi lạ. Ông giục ăn nhanh lúc nóng. Đưa con cá vào miệng, đúng là cảm giác kỳ lạ và thân quen. Vị đắng của con cá tan nhanh trong miệng. Nhưng, chỉ vài giây sau, là vị ngọt cuống quýt nơi đầu lưỡi, lan xuống cuống họng. Đó thực sự là thứ mùi vị của sâm quý, chứ không phải của cá. Chẳng thế mà, đồng bào Mông ở Sin Súi Hồ lại gọi nó là cá sâm, hay cá đắng. Thịt cá mà đắng thì cũng lạ thật. Không đi lùng được loài cá này, thì thật đáng tiếc.
Bắt cá trong hốc đá?
Tờ mờ sớm hôm sau, đã có 3 thanh niên trai tráng đậu xe ở cổng nhà trưởng bản Vàng A Chỉnh, đón chúng tôi đi tìm con suối có loài cá đắng, còn gọi là “cá sâm”.
Đồ nghề lỉnh kỉnh gồm túi ngủ, lều bạt, vác theo mấy balo. Vàng A Của bảo rằng, bắt được cá không phải chuyện đơn giản, có thể phải lần lục mấy ngày trong rừng. Ngoài ra, gặp mưa, lũ lên, thì cũng xác định ngủ lại rừng vài hôm.
Xe máy chạy loanh quanh trên các triền núi mấy tiếng đồng hồ thì đến bản Sàng Mà Pho. Sàng Mà Pho là bản tận cùng của vùng đất Phong Thổ, hướng bắc giáp dãy núi sừng sững của Trung Quốc, phía đông giáp đỉnh Nhìu Cồ San cao gần 3.000m của đất Y Tý (Bát Xát, Lào Cai), phía Nam là những đỉnh núi nhấp nhô của dãy Fansipan huyền thoại. Án ngữ phía tây là đỉnh Dào San xanh biếc thi thoảng mới ló dạng khỏi mây mù.
Video: Thú vị hành trình đi bắt loài 'cá sâm' trên đỉnh núi
Đầu bản Sàng Mà Pho, 4 thanh niên người Mông nữa đã chờ chúng tôi từ sáng. Sàng Mà Pho là bản cổ của người Mông. Các cụ già cũng bảo, người Mông ở đất này cả ngàn năm rồi, bao nhiêu đời cũng không rõ, chỉ biết rằng mồ mả tổ tiên xếp đá chồng chồng lớp lớp trong rừng.
Bản Sàng Mà Pho hiện ra giữa đám mây đẹp như cổ tích. Những tảng đá lớn, xanh biếc nằm lăn lóc giữa bản, những lối đi quanh co, những thân cây cổ thụ rêu phong mọc trước nhà, thậm chí “ngồi chồm hỗm” trên những tảng đá lớn, rễ sù sì bọc quanh.
Bắt cá đắng rất vất vả
Vàng A Của bảo, những thanh niên bản Mông này đều là những cao thủ săn cá ở con suối Sàng Mà Pho. Mặc dù đang là mùa gặt, nhưng mến khách, nên bỏ hết việc đồng áng đi bắt cá cho khách ăn. Vàng A Của đã phân công mỗi người một việc. Người đi gom hết các tay lưới ở bản, người lên rừng lấy vỏ thứ cây đặc biệt, mà nhựa của nó khiến loài cá say lừ đừ, mà nổi lên khỏi mặt nước và bị tóm sống.
Sợ chúng tôi không đi được núi, nên 7 thanh niên Mông mỗi người một thứ, đầy gùi trên vai, và lên đường cuốc bộ, nhằm hướng dãy núi Răng Cưa và đỉnh Nhìn Cồ San thuộc đất Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) chìm trong mây mù để đi.
Cánh rừng Sàng Mà Pho thật kỳ lạ, cứ cây sống chen với cây chết. Nhiều dải núi toàn thân cây chết khô như dũng sĩ ngạo ghễ in lẫn với nền xanh của rừng. Hóa ra, năm ngoái, tuyết rơi dày và lạnh kỷ lục ở Sàng Mà Pho, khiến một số loài cây chết sạch. Những cây có nhiều nước, bị đóng băng, làm vỡ các mao mạch, nên không sống nổi qua mùa đông. Vàng A Của bảo, tuyết dày đến đầu gối, trắng xóa cả rừng hoang.
Tác giả và chú cá bám đá dính lưới
Đi sâu vào trong rừng, tôi thấy lạ lùng, khi bước chân mình đặt lên những phiến đá, những bậc đá xanh thẫm, rõ ràng là nhân tạo. Hóa ra, đây là con đường cổ, mà người Pháp đã bắt những dân phu Mông ở Lào Cai và Lai Châu làm từ hơn trăm năm trước. Người Pháp đã thiết kế con đường tuần tra biên giới từ Y Tý sang Lai Châu, cắt qua những dãy núi cao chọc trời. Xưa kia, người ngựa cứ con đường này mà đi. Đường dài tới 30km. Có lẽ, đây là con đường cao nhất Đông Dương. Nhiều đoạn đường đã bị bóc đi, biến thành nương ngô. Nhiều đoạn chìm dưới lòng đất, hoặc rễ cây trùm lên.
Ăn ngủ trong rừng để bắt cá đắng
Cứ cuốc bộ lên, rồi lại xuống, suốt mấy tiếng đồng hồ, thì tiếng nước chảy ào ào từ xa vọng lại, phía dưới thung lũng. Con suối Sàng Mà Pho khá lớn, dốc, nước chảy mạnh luồn lách dưới những tảng đá khổng lồ, phát ra tiếng ào ào như bản nhạc giữa rừng già âm u, tĩnh lặng. Vàng A Của bảo, cứ phải nhảy chồm chồm trên những tảng đá ấy, đi ngược suối, lên đến độ cao khoảng 2.300m, gần phía đầu nguồn, mới kiếm được thứ cá đặc biệt ấy. Loài cá ấy, chỉ sống ở nơi rất cao, rất lạnh, thậm chí băng giá. Phải ngủ rừng, dựng lều, để ăn được con cá, quả thực công phu.
Còn tiếp...
Tác giả bài viết: Dương Phạm Ngọc
Nguồn tin: