Gần đây, thiết bị MODIS trên vệ tinh của NASA đã ghi lại được sự chuyển màu của hồ Urmia trong khoảng thời gian tháng 4-7/2016. Ngày 23/4, nước vẫn xanh như thông thường nhưng tới 18/7, hồ nước bắt đầu chuyển sang màu đỏ thẫm.
Tương tự như biển Aral, Urmia - từng là hồ nước mặn lớn thứ 4, đã bị thu hẹp khá nhanh trong các thập niên qua. Ảnh vệ tinh cho thấy, hồ Urmia đã mất 70% diện tích mặt nước trong 14 năm qua, các nhà khoa học cho biết.
Do ngày càng bé hơn nên nước hồ mặn hơn, đặc biệt là vào mùa hè. Đây cũng là thời điểm các vi sinh vật thể hiện màu sắc của nó.
Các nhà khoa học cho biết, có hai nhóm vi sinh vật chính làm thay đổi màu nước hồ: do nhóm tảo mang tên Dunaliella và nhóm vi khuẩn cổ xưa mang tên Halobacteriaceae.
Trong môi trường nước mặn, Dunaliella thường có màu xanh. Tuy nhiên, độ mặn cao và nhiều ánh sáng, các vi tảo chuyển sang màu đỏ do sự sản sinh của các chất màu vàng cam mang tính bảo vệ, Mohammad Tourian - nhà khoa học của trường đại học Stuttgart cho biết.
Chất màu vàng cam là các sắc tố hữu cơ chịu trách nhiệm về các màu đỏ, vàng và sắc cam.
Một số nhà khoa học khác nhấn mạnh vai trò của Halobacteriaceae - một nhóm vi khuẩn sản sinh ra màu đỏ, vốn hấp thụ ánh sáng và chuyển hóa thành năng lượng cho vi khuẩn. Khi lượng vi khuẩn đủ lớn, nó có thể biến đổi màu nước.
Tác giả bài viết: Hoài Linh