Du lịch

Kiểu nhà ống độc đáo ở phố cổ Việt Nam lên báo Mỹ

Mới đây tờ thời báo Business Insider (Mỹ) đưa tin về một trong những loại hình kiến trúc khá phổ biến ở Việt Nam thường gọi là "nhà ống".

Trong bài viết của mình, tờ Insider giới thiệu, những ngôi nhà đặc trưng trên đường phố ở thủ đô Hà Nội được sơn đủ mọi loại màu sắc. Chúng có thể chỉ rộng chưa tới 2m.

"Kiểu nhà này được biết tới với tên gọi nhà ống. Những ngôi nhà này là một trong những loại kiến trúc phổ biến nhất ở Việt Nam", ông Dinh Quoc Phuong, Giám đốc khóa học của chương trình kiến trúc nội thất tại Đại học Công nghệ Swinburne, chia sẻ với Insider.

Những căn nhà ống đặc trưng ở phố cổ Việt Nam (Ảnh: Insider).

"Những nhà ống cũ được xây từ trước năm 1954, thường gồm 2 tầng, thiết kế kéo dài về sau với mặt tiền hẹp từ 2-5m. Trên nền đất cũ, nhà ống ngày nay được xây cao hơn, thậm chí lên tới 12 tầng", ông Phuong nhấn mạnh.

Theo truyền thống, những căn nhà ống thường gắn liền với khu phố cổ Hà Nội. Tại đây, mỗi con phố được đặt theo tên các sản phẩm mà người dân buôn bán hai bên đường như Hàng Bạc (Phố Bạc), Hàng Gai (phố tơ lụa).

Căn nhà dọc theo phố Hàng Đào, ảnh chụp năm 1926 (Ảnh: Insider).

Không giống như những ngôi nhà ống mới chỉ thuần túy dùng để ở, những ngôi nhà trong khu phố cổ vẫn tiếp tục phục vụ chức năng thương mại. Những nhà ống xưa thường thiết kế cửa hàng ở tầng trệt và gia đình sinh hoạt ở tầng trên. Với nhiều tầng không gian sống, nhiều thế hệ có thể sống chung dưới một mái nhà.

"Những căn nhà ống truyền thống từng là nhà chung của nhiều gia đình, có thể lên tới năm, sáu hộ gia đình cùng chung sống. Đến tận bây giờ, ở khu phố cổ, bạn có thể thấy điều đó. Thậm chí, các gia đình còn không quen biết nhau", ông Mai Hung Trung, kiến trúc sư khởi xướng Hanoi Ad Hoc, một nghiên cứu về cảnh quan đô thị Hà Nội, chia sẻ.

Khu vực sân sau của một căn nhà ống (Ảnh: Insider).

Những nhà ống cũ thiếu hụt chiều rộng, nhưng lại được bù đắp về chiều sâu. Chúng có thể đạt chiều sâu lên tới 100m.

Theo ông Trung, kiểu kiến trúc này có thể hình thành do giá đất đắt đỏ. Khi mật độ dân cư dày, chính phủ đánh thuế mặt tiền, người dân cố giảm kích thước khu vực này. Nhưng con cái các gia đình lớn lên, họ cần thêm không gian nên phải xây thêm vào bên trong hoặc chồng nhiều tầng cao.

"Khu đất nội thành là đất vàng. Mặt tiền đường phố được coi là quan trọng như quy mô đất đai. Những ngôi nhà cũ có sân trong để đón ánh sáng và thông gió tự nhiên. Sân còn có chức năng là một không gian sinh hoạt chung để các thành viên trong nhà cùng nhau quây quần", ông Trung nói.

Một căn nhà ống cao tầng mang phong cách kiến trúc Pháp (Ảnh: Insider).

Những năm gần đây, những ngôi nhà ống mới thường xây theo kiểu kiến trúc Pháp. Phong cách này được điều chỉnh theo nhiều cách khác nhau. Nhưng bất kể nguồn gốc của chúng ra sao, nhà ống đã trở thành một nét đặc trưng của đường phố Việt Nam. Qua đó, hình thành nên cảnh quan đô thị của đất nước.

"Nhà ống và xe máy là một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của cảnh quan đô thị Việt Nam. Chúng gắn bó với nhau suốt nhiều năm do những chiếc xe máy nhỏ hoàn toàn phù hợp với những ngôi nhà ống chật hẹp. Chỉ cần ngồi trên xe máy, bạn có thể di chuyển tới bất cứ ngõ ngách nào trong thành phố", ông Trung khẳng định.

Tác giả: Huy Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP