Giáo dục

Kiến nghị giao kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương

PGS. TS Nguyễn Xuân Trạch, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề đánh giá tốt nghiệp nên trả về cho các địa phương là hợp lý hơn cả.

Theo lý giải của ông Trạch, tổ chức theo cách nào cũng chỉ để xác định một vài phần trăm học sinh trượt tốt nghiệp thì việc phải tổ chức hẳn một kỳ thi cấp quốc gia khá phức tạp.

Chẳng hạn như tại tỉnh Hải Dương, nơi Học viện Nông nghiệp Việt Nam được giao chủ trì cụm thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, có tới 45% thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Đó là chưa kể ở những khu vực vùng sâu, vùng xa nơi học sinh không có điều kiện học tập đầy đủ. Trong khi đó, đề thi lại được ra chung cho toàn quốc.

20160705141958 thi tot nghiep
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia năm 2016 ngày 2/7. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Dùng một thước đo chung cho toàn quốc thì không công bằng với những nơi học sinh có điều kiện học hành thiệt thòi hơn" - ông Trạch lý giải.

Từ đó, ông Trạch cho rằng, để đánh giá tốt nghiệp thì giao cho địa phương sẽ hợp lý hơn và các địa phương cũng tự có trách nhiệm.

Còn thi và xét tuyển vào các trường ĐH, ông Trạch cho rằng nên giao cho các trường đại học. Các trường có thể tự xét tuyển độc lập, có thể phối hợp thành một nhóm trường xét tuyển chung.

Những trường không tự tổ chức thi được thì có thể sử dụng bộ đề chung do Bộ GD-ĐT hỗ trợ.

"Xu hướng hiện nay là các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Theo xu hướng đó thì tự chủ trong tuyển sinh là một quyền quan trọng" - ông Trạch khẳng định.

Trước câu hỏi liệu làm như vậy có sợ quay lại 2 kỳ thi như trước khi có kỳ thi THPT quốc gia hay không, ông Trạch cho rằng, trước đây có 2 kỳ thi nhưng là 2 kỳ thi ở cấp quốc gia. Nếu giao việc thi tốt nghiệp cho các sở giáo dục và thi đại học cho các trường đại học tự tổ chức thì 2 kỳ thi này không còn mang tính chất quốc gia nữa.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng nên để các địa phương tổ chức hoàn toàn các thi trên địa bàn căn cứ trên tình hình thực tế của các huyện. Nếu cần thiết thì các trường ĐH có thể cử 1 cán bộ xuống các điểm thi để giám sát các quy trình địa phươg thực hiện thì sẽ phù hợp hơn.

"Tổ chức như thế này sẽ vất vả thêm. Năm nay cả tỉnh Hòa Bình phải huy động tới hơn 300 các cán bộ giảng viên từ các trường ĐH về tỉnh" - ông Đắc cho hay.

Với ý kiến lo ngại, nếu giao cho địa phương tổ chức sẽ khó đảm bảm tính công bằng, khách quan và nghiêm túc của kỳ thi, ông Đắc cho rằng, nếu giao cho địa phương tổ chức thì việc tổ chức kỳ thi vẫn đảm bảo tính nghiêm túc, đúng theo quy chế.

"Việc tổ chức kỳ thi nghiêm túc không chỉ đảm bảo chất lượng học tập của các em mà nó có thể ảnh hưởng tới các lớp sau. Đây là mong muốn của địa phương và cũng là yêu cầu thực tế của xã hội" - ông Đắc nói.

Không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp riêng

Ông Lương Văn Việt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương cũng cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương tổ chức thì sẽ thuận lợi hơn.

Ông Việt đưa ra lý do rằng, kỳ thi tốt nghiệp là một kỳ thi đánh giá kiến thức rất cơ bản của học sinh và lượng kiến thức vênh khá nhiều so với kỳ thi đại học. Trong khi hiện nay, cả hai kỳ thi lại sử dụng một đề thi chung.

"Tâm thế của những học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp khi nhìn thấy đề thi sẽ choáng. Ví dụ như môn thi Tiếng Anh phần thi của khối D rất nặng. Phần lớn học sinh nhìn vào sẽ choáng và gây ra tâm lý thất vọng cho học sinh" - ông Việt nói. "Việc ra một đề thi vừa để xét tốt nghiệp vừa xét đại học là việc không đơn giản".

Ông Việt cũng cho rằng, nếu giao cho địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thì giao cho địa phương làm cả đề thi. Khi đó, các đề thi cũng sẽ có phương án để đảm bảo chất lượng của học sinh thông qua việc kiểm tra định kỳ chung để tránh các vấn đề tiêu cực.

"Tiến tới chúng tôi cũng sẽ tiếp thu những phương pháp đánh giá mới như cách làm của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tất nhiên cũng sẽ có những khó khăn nhưng xu hướng sắp tới phải là như vậy" - ông Việt khẳng định.

"Mục tiêu cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp là có một tấm bằng để chứng minh năng lực của học sinh. Do vậy, khi học sinh cảm thấy đã tích đủ năng lượng rồi đều có thể thi chứ không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp tập trung".

Còn việc thi và xét tuyển đại học, theo ông Việt nên để các trường đại học tự tổ chức. Ông Việt cho rằng, khi các trường ở địa phương đã làm chuẩn thì các trường có thể không cần phải tổ chức hẳn một kỳ thi riêng để xét tuyển đại học mà có thể xét tuyển theo học bạ hoặc kết quả học tập ở THPT của các em.

Trước đó, tại buổi giao ban thi đua của 5 thành phố trực thuộc trung ương diễn ra tại Hải Phòng ngày 25/6, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đại diện nêu đề xuất với Bộ GD-ĐT nên xem xét giao quyền chủ động trong kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương ở các khâu: tổ chức thi, chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp; quy chế thi và đề thi sẽ do Bộ ban hành để đảm bảo thống nhất về giá trị bằng tốt nghiệp.

Giao các trường ĐH tổ chức kỳ thi

Chiều 4/7, trả lời VietNamNet về việc tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, kết quả năm nay là phép thử đánh giá năng lực tổ chức kỳ thi của các địa phương. Sự thành công của kỳ thi vừa qua cho thấy có thể tổ chức được kỳ thi ở địa phương.

Tới đây, Bộ sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các địa phương, các sở cũng như các chuyên gia để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo. Ông Ga cũng khẳng định, các thông tin xã hội và báo chí phản ánh đều được Bộ ghi nhận và đưa ra phương án sớm nhất vào đầu năm học tới.

"Nguyên tắc của việc này là tuân theo Luật Giáo dục với tinh thần tổ chức kỳ thi là việc của các trường. Khi các trường sẵn sàng thì Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các trường tổ chức. Chẳng hạn như cách làm của ĐHQG Hà Nội trong 2 năm vừa qua" - Thứ trưởng Ga lưu ý.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP