Mô hình kinh doanh Groupon (hình thức mua theo nhóm) bắt đầu xuất hiện vào năm 2008 ở Mỹ bởi công ty Groupon. Chỉ sau 2 năm hoạt động, Groupon đã nổi tiếng khắp thế giới về sức hút mãnh liệt và thực sự là một phương thức bán hàng mới cực kỳ hấp dẫn.
Doanh thu của Groupon sau 2 năm hoạt động đã đạt gần 1,35 tỷ USD. Tháng 3/2011, công ty này được định giá lên đến 25 tỷ USD. Nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á như Phillipines, Singapore cũng đã có nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo mô hình này.
Có mặt tại Việt Nam chỉ một năm trở lại đây, nhưng hình thức mua theo nhóm đã phát triển với tốc độ chóng mặt.
Theo thống kê đến tháng 3/2016 đã có hơn 100 website groupon hoạt động tại Việt Nam dù rằng trước đó có rất nhiều website mua theo nhóm phải ngừng hoặc cắt giảm hoạt động. Có thể kể đến một số website như cucre, cungmua, muachung, nhommua, hoishophing…
Kiếm 20 tỷ đồng/tháng vẫn lỗ
Để cạnh tranh, hầu hết các website này đều cố gắng tìm những đối tác hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng.
Nhiều website mua theo nhóm đã phải ra đi trong lặng lẽ. (Ảnh: TTVN)
ThS. Lê Thị Hoài (Đại học Thương mại) cho hay, điểm nhấn đầu tiên của các website này là rao bán nhiều mặt hàng giá trị như Iphone 4, xe máy Air Blade, Vespa, Ipad, máy tính Sony, ôtô Kia…với giá 0 đồng.
“Ngoài những dịch vụ làm đẹp, ăn uống, giải trí mà người tiêu dùng ưa thích, các website này còn đánh vào thị hiếu của khách hàng theo mùa. Chẳng hạn, mùa hè họ hướng vào dịch vụ nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch, các sản phẩm dành cho thiếu nhi, các khóa học hè…. Cuối năm họ tập trung vào dịch vụ mùa cưới”, ThS. Lê Thị Hoài phân tích.
Cũng theo ThS Hoài, một số website mới chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn đã công bố những con số khá ấn tượng. Như Nhommua ước doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/tháng với hơn 500 đối tác, hơn 500 nghìn thành viên.
Hoishoping ước khoảng trên 6 tỷ đồng/tháng với hơn 100 đối tác, trên 100 nghìn thành viên. Muachung.vn tăng trưởng 150% sau 6 tháng mở rộng tại thị trường Hà Nội, đạt gần 72 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả kinh doanh này vẫn chưa đủ trang trải cho chi phí nhân sự”, ThS Hoài khẳng định.
Bà Hoài dẫn chứng, cuộc chạy đua giành thị phần đã khiến chi phí quảng bá DN tăng khá cao, có thể chiếm tới hơn 70% tổng doanh thu của website.
Thêm vào đó, người Việt chưa quen với hình thức thanh toán qua thẻ nên các DN phải sử dụng nhiều nhân lực giao hàng, phát triển nhân viên tiếp thị để tìm đối tác tham gia.
“DN nào cũng chỉ dám theo đuổi mô hình này trong thời gian đầu như một chi phí marketing thương hiệu, về lâu dài, DN nào cũng than khó vì ảnh hưởng đến doanh thu”, bà Hoài nhấn mạnh.
Theo tờ Wall Street Journal, riêng nửa cuối năm 2011, đã có gần 800 website mua theo nhóm đóng cửa. Danh sách những nhà đầu tư tháo chạy khỏi Groupon – công ty số 1 theo mô hình mua theo nhóm cũng ngày một dài ra.
Nguyên nhân chính được đưa ra đó là Groupon không đem lại lợi nhuận như mong đợi.
Tại Việt Nam, Dealsoc, một công ty mua theo nhóm tạm dừng hoạt động gần đây cũng bị hơn 20 đối tác kéo đến đòi nợ đọng đã lâu.
Với nhiều website đang thống lĩnh thị trường online Việt, doanh thu cũng là một vấn đề đáng bàn.
Mỏ vàng tiềm năng?
ThS Lê Thị Hoài cho rằng với số người sử dụng Internet chiếm hơn 1/3 dân số, phần lớn lại là giới trẻ ham khám phá các dịch vụ mới, thích mua hàng giảm giá và đặc biệt đây là lực lượng thành viên đông đảo nhất của các mạng xã hội, cộng với tâm lý đám đông rằng có nhiều người mua đồng nghĩa với việc sản phẩm tốt, mô hình Groupon hứa hẹn sẽ thành công ở Việt Nam.
Có thể kể đến một số thuận lợi của mô hình này khi phát triển tại Việt Nam như: Người tiêu dùng Việt rất quan tâm tới giá cả, có tâm lý thích khuyến mại ngay cả khi không có nhu cầu. Người Việt cũng hay có tâm lý đám đông tức là thường cảm thấy yên tâm khi có nhiều người cùng mua, mua hùa theo đám đông.
Hơn nữa, mua bán, giải trí là một trong những hoạt động chủ chốt của người Việt chuyển từ offline sang online.
Tuy nhiên, groupon gặp trở ngại trong quá trình thanh toán, dịch vụ khách hàng (thái độ phục vụ nhân viên), chất lượng sản phẩm/dịch vụ, hiểu biết của nhà cung cấp và các vấn đề về thương hiệu.
Để phát triển mô hình này, theo bà Hoài, các DN cần hoàn hiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là website để đáp ứng tốt nhất việc bán hàng.
“Họ có thể mua các phần mềm chuyên dụng như ERM, CRM, SCM… đồng thời hoàn thiện hệ thống hỗ trợ khách hàng trực tuyến thông qua một số công cụ như điện thoại, chat yahoo, chat skype… để đảm bảo việc kinh doanh diễn ra một cách liên tục, hiệu quả”, bà Hoài nêu quan điểm.
Ngoài ra, việc khôi phục lại niềm tin cho người tiêu dùng cũng là một vấn đề quan trọng. Nhớ lại cách đây vài năm, Nhommua từng dính bê bối. Công ty từng đóng cửa 3 ngày liền mà không có thông báo gì tới khách hàng, website không truy cập được, trụ sở đóng cửa khiến khách hàng lo lắng không biết liệu voucher của mình có được thanh toán không, còn các đối tác thì giảm niềm tin vào mô hình dịch vụ này.
Tác giả bài viết: Kiều Vui
Nguồn tin: