Giáo dục

Không “thả nổi” hoàn toàn cho xã hội hóa

Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội lần đầu tiên đề cập đến chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học. Và quan điểm này cũng được thể hiện trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang lấy ý kiến xã hội và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ VII của Quốc hội.

Việc triển khai chủ trương này sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc gì. Vai trò điều tiết của Nhà nước như thế nào trong quá trình xã hội hóa SGK?

TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

PV: Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội ban hành về SGK giáo dục phổ thông quy định việc xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học. Cơ sở nào để Quốc hội nhất trí thông qua chủ trương này, thưa ông?

TS Phạm Tất Thắng: Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK phổ thông ra đời với mục tiêu khắc phục những bất cập của giáo dục phổ thông hiện tại.

Trong đó, chương trình giảm tải, tích hợp, phát triển kỹ năng toàn diện của học sinh. Đây là chủ trương mở, khắc phục việc độc quyền trong xuất bản SGK hiện nay, đồng thời cũng đáp ứng được những yêu cầu hiện tại của xã hội. Hiện nay, người dân có quyền được lựa chọn các sản phẩm phù hợp và tốt nhất với mình.

Với SGK cũng vậy, nhà trường, giáo viên, học sinh cũng có quyền lựa chọn những SGK phù hợp nhất. Chúng ta ban hành chương trình chuẩn, áp dụng thống nhất, còn việc thể hiện ra SGK như thế nào thì để cho tác giả, các cơ quan, tổ chức khác nhau thực hiện.

Sở dĩ nói nhiều chứ không phải nhiều bộ là vì lâu nay chúng ta chỉ có một bộ chung duy nhất nên khi thay đổi, nhiều môn sẽ có nhiều bộ sách. Ví dụ, có những cấp học hoặc khối lớp có nhiều bộ nhưng cũng có thể sẽ không phải cấp học hoặc khối lớp nào cũng có nhiều bộ mà chỉ là nhiều cuốn của một số môn hoặc khối lớp cụ thể.

Nghị quyết cũng nêu, để đảm bảo có một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12 cho mọi học sinh trên cả nước thì vẫn giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK dùng chung. Còn lại, các tổ chức, cá nhân khác, theo nhu cầu và khả năng của mình sẽ biên soạn SGK của từng môn học hoặc cấp học đó.

TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

PV: Việc có nhiều SGK là cần thiết nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo trí thức để có thể cho ra đời những bộ sách chất lượng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhiều tác giả có kinh nghiệm trong viết SGK, cũng chưa có nhiều NXB chuyên trong lĩnh vực này. Liệu đây có là trở ngại khi triển khai chủ trương này không, thưa ông?

TS Phạm Tất Thắng: Nghị quyết 88 cũng đã lường đến chuyện này. Đây là lần đầu tiên chúng ta đề cập đến "một chương trình, nhiều SGK". Thực tế cho thấy, để ban hành 1 bộ hoàn chỉnh là một công việc rất phức tạp, đòi hỏi sự tập trung rất lớn cả về điều kiện con người, kỹ thuật lẫn công tác tổ chức từ biên soạn, in ấn đến khâu phát hành...

Trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và lực lượng trong vấn đề này nên Nghị quyết 88 cho phép thực hiện “một số SGK cho mỗi môn học” cũng là để phù hợp với giai đoạn đầu khi chúng ta chuyển từ một bộ sang nhiều SGK cho mỗi môn học. Thực tế ngay cả khi chúng ta đang thực hiện một bộ như thời gian qua thì cũng đã có một số nhóm tác giả đã giới thiệu với xã hội một số SGK mà họ biên soạn...

Cũng chính vì lường trước giai đoạn đầu chuyển đổi từ một bộ sang nhiều SGK nên nghị quyết có nêu rõ yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn 1 bộ SGK dùng chung để tránh trường hợp xã hội hóa biên soạn SGK không thực hiện được nhiều và đầy đủ ở tất cả các môn học, cấp học thì vẫn có 1 bộ để đảm bảo nhu cầu dạy và học của tất cả các học sinh.

PV: Chuyện Bộ GD&ĐT cũng tham gia xây dựng một bộ SGK trong khi Bộ chính là cơ quan thẩm định liệu sách liệu có dẫn đến việc các cá nhân, tổ chức khác sẽ không thể cạnh tranh được với Bộ không, thưa ông?

TS Phạm Tất Thắng: Phải nhắc lại rằng, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều SGK" và xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK.

Nhưng chúng ta vẫn phải tính đến câu chuyện đảm bảo việc giảng dạy và học tập bình thường ở bậc phổ thông, đây là trách nhiệm của Nhà nước mà đại diện ở đây là Bộ GD&ĐT. Vì lần đầu tiên, nên cũng không có gì đảm bảo đến thời điểm áp dụng chương trình và SGK mới, việc xã hội hóa có đủ SGK cho việc học.

Do đó không thể thiếu bộ SGK của Bộ. Hay nói cách khác, giai đoạn đầu, chúng ta phải chấp nhận phương án này, không thể “thả nổi” hoàn toàn cho xã hội hóa được. Còn về lâu dài thì nên để việc làm SGK cho xã hội. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là biên soạn chương trình chuẩn để định hướng. Đồng thời, quản lý chương trình.

PV: Nếu chúng ta coi SGK cũng là một sản phẩm, khi có nhiều cá nhân, tổ chức cùng sản xuất thì việc đảm bảo cạnh tranh công bằng là một đòi hỏi tất yếu. Tuy vậy, SGK cũng là một mặt hàng đặc biệt nên vai trò điều tiết của Nhà nước trong câu chuyện này sẽ như thế nào, thưa ông?

TS Phạm Tất Thắng: Nếu coi SGK là một mặt hàng đặc biệt, theo tôi khi đã có cạnh tranh thì thị trường sẽ điều tiết. Xã hội sẽ chọn sách chất lượng tốt, giá thành hạ. Nhưng do SGK cũng là mặt hàng đặc biệt nên Nhà nước vẫn phải kiểm soát và có trách nhiệm về việc đủ SGK đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta đã đang bàn câu chuyện của thì tương lai vì hiện Bộ cũng chưa có quy chế gì về việc biên soạn, tuyển chọn, sử dụng SGK. Nhưng theo tôi, nguyên tắc là phải đảm bảo yếu tố có sách SGK tốt và cả yếu tố thị trường.

PV: Có ý kiến cho rằng khi thực hiện chương trình, SGK mới cũng không nên đồng loạt mà chỉ thực hiện trước ở những nơi nào đủ điều kiện. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Phạm Tất Thắng: Việc đổi mới chương trình và SGK đang là đòi hỏi bức thiết và ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng ở những nơi có đảm bảo về điều kiện cũng là ý kiến rất thực tiễn.

Theo tôi biết, Bộ GD&ĐT sẽ có áp dụng thử, nhưng quy mô và thời gian đến đâu thì là câu chuyện cần bàn. Nếu chúng ta có điều kiện thử nghiệm một cách kỹ lưỡng, cả năm học ở một số địa phương, sau đó những gì không phù hợp sẽ điều chỉnh là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng thí điểm ở một phạm vi hẹp và thời gian ngắn thì việc đánh giá tác động lại không sâu sắc được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Huyền Thanh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP