Giáo dục

Không hiếm sinh viên ra trường không viết nổi một văn bản

Không hiếm sinh viên ra trường không viết nổi một văn bản hay nhiều doanh nghiệp than phiền khi phải đào tạo bổ sung nếu tuyển dụng họ vào làm việc.

Việc chưa dành nhiều thời gian để đào tạo kỹ năng mềm từ nhà trường và tính chưa tự giác của người học đã cho ra đời những sản phẩm giáo dục khó đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (ảnh: quochoi.vn)

Việc chưa dành nhiều thời gian để đào tạo kỹ năng mềm từ nhà trường và tính chưa tự giác của người học đã cho ra đời những sản phẩm giáo dục khó đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội. Việc cắp sách đến trường chỉ mới dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là một niềm vui, niềm khao khát được hướng dẫn để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại.

Đó là băn khoăn của đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) khi góp ý vào Luật Giáo dục sửa đổi.

Theo đại biểu Trọng Nhân, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chất lượng giảng dạy, học tập chưa có nhiều chuyển biến nên chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. So sánh mục tiêu nội dung và phương pháp giáo dục của dự thảo lần này với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm dường như không thay đổi gì nhiều.

Nội dung, phương pháp giáo dục từ nhiều năm qua vấp phải không ít những phản ứng của xã hội. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận phương thức giáo dục của chúng ta hiện nay như 50-60 năm qua, tức là tiền bối dạy sao ta dạy lại thế hệ sau như thế.

Theo đại biểu Trọng Nhân, trong bối cảnh mới, với sự thay đổi chóng mặt của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thì một trong những phương pháp giáo dục phải là khai phóng, hướng đến từng người học, giúp các em chủ động trong nhận thức, độc lập trong tư duy sáng tạo để có thể tự kết nối, tự kiểm soát và thích ứng với những thay đổi khó đoán định của thế giới hiện nay. Để vượt lên trên sứ mệnh của giáo dục chỉ có thể là mạnh dạn phá bỏ những tư duy, thói quen cũ kỹ, ăn sâu vào tiềm thức trong dạy và học.

Phân luồng nghề nghiệp sẽ có lực lượng lao động chất lượng

Để nâng cao chất lượng giáo dục, một trong những giải pháp cần lưu ý là cần phải ưu tiên về vấn đề phân luồng nghề nghiệp. Đó là ý kiến của đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Lê Quân (ảnh: quochoi.vn)

Theo đại biểu Lê Quân, hiện nay, nếu con em chúng ta học giỏi và đỗ vào THPT thì chúng ta rất yên tâm và các địa phương cũng rất chú trọng đến đầu tư vào trường chuyên, lớp chọn và các trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, ít quan tâm đến một đối tượng rất quan trọng, đó là các em hết 15 tuổi mà không có khả năng theo học THPT thì phải vào học nghề.

Hiện nay, những em này dường như ít được quan tâm, phải học những chương trình chưa thực sự ưu tiên. Điều này đã gây ra lãng phí nguồn lực xã hội và có thể đặt ra những vấn đề xã hội, nếu chúng ta không quan tâm và tỷ lệ các em bỏ học sau 15 tuổi cũng khá nhiều.

Bên cạnh đó, hiện nay chính sách phân luồng của chúng ta đang đi vào chính sách hành chính gặp rất nhiều khó khăn khi mà trường THPT tư thục cũng mở được nhiều, đại học mở cửa đầu vào nhưng không có rào cản kỹ thuật về học phí và các tiêu chí. Do đó dẫn đến tình trạng các trường đại học công mà nhà nước đầu tư không có chỉ tiêu ấn định dẫn đến tình trạng các trường đại học, các trường đại học có các hệ cao đẳng, trung cấp cạnh tranh với nhau mạnh mẽ, có thể gây nguy cơ lãng phí.

Đại biểu Lê Quân cho rằng, xu hướng trên thế giới là gia nhập thị trường lao động rất sớm. Nếu các em theo học phân luồng sớm, hết trung học cơ sở, lớp 9 vào học nghề thì 18, 19 tuổi, các em đã gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu đồng/tháng như hiện nay và làm việc gần nhà, giải quyết rất nhiều vấn đề lao động, sau đó các em hoàn toàn có thể học liên thông 1, 2 năm để lấy bằng đại học. Đây là một mô hình rất thành công tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, thậm chí các quốc gia phát triển như Pháp hay chúng ta gửi con em đi Anh thì không nhất thiết các em phải học xong lấy bằng phổ thông, các em có thể học những chứng chỉ và xác nhận, sau đó các em học tiếp.

Đại biểu Lê Quân cũng cho rằng, khi chúng ta giải quyết phân luồng tốt thì sẽ có một lực lượng lao động chất lượng. Theo đó, Luật Giáo dục sửa đổi cần ghi rõ phân luồng để định hướng người học và học nghề chứ không phải định hướng chỉ là đi vào hướng nghiệp.

Ngoài ra, trong Luật Giáo dục sửa đổi nên bổ sung một điều về phân luồng để phân định rõ trách nhiệm của ai, những giải pháp gì, như vậy mới có những ưu tiên trong quá trình phân luồng nghề nghiệp./.

Tác giả: Bích Lan

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: sinh viên ra trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP