Hàng nghìn cán bộ bị kỷ luật, xử lý pháp luật
Thông tin từ Ban Tổ chức Trung ương cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay đã có hàng nghìn cán bộ các cấp bị kỷ luật, xử lý pháp luật, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, đương chức lẫn nghỉ hưu.
Ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ 4 (Vụ Các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương), Ban Tổ chức Trung ương cho biết, đây không phải là sai sót diễn ra trong nhiệm kỳ này mà là kéo dài của những nhiệm kỳ trước. Lần này, với quyết tâm cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng đã “lôi ra ánh sáng”, xử lý nghiêm minh thì mới bộc lộ ra những yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục.
Ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ 4 (Ban Tổ chức Trung ương). |
Ông Phạm Quang Hưng phân tích, đằng sau câu chuyện nhiều tập thể, cá nhân bị kỷ luật thấy rõ 3 yếu tố: một là tình trạng chạy chức chạy quyền lan ra trong mọi ngóc ngách của công tác cán bộ. Nhiều trường hợp vì “chạy chức”, “chạy quyền”, vì lợi ích nhóm, vì những hành vi tiêu cực mà phát sinh những tiêu cực, hệ lụy khác.
Thứ hai, việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, kiểm soát thường xuyên cũng dẫn đến những hư hỏng của cán bộ.
Thứ ba, cũng có một số trường hợp “chạy chức”, “chạy quyền”, người nhà, “cánh hẩu” nên trong mối quan hệ công tác thiếu công khai minh bạch, khi thực hiện nhiệm vụ dễ dẫn đến tác oai, tác quái. Và khi cán bộ đã thiếu sự ủng hộ, không có uy tín, thì cũng khó quy tụ đoàn kết trong tập thể, dẫn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ không cao.
Hơn nữa, tự đấu tranh phê bình trong Đảng cũng thiếu nghiêm minh, dẫn đến những tiêu cực, tệ nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, không dám đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực; làm cho người ngay, người thẳng thiếu niềm tin, mất động lực, thậm chí có những hệ lụy hết sức nặng nề.
Theo Vụ trưởng Vụ 4 (Ban Tổ chức Trung ương), mục tiêu lần này phải làm sao chặn đứng tiêu cực, triệt để chống mua quan, bán chức thì mới tạo tỷ lệ đông những người tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tạo niềm tin cho đội ngũ cán bộ.
Tiến tới xóa bỏ biên chế suốt đời
Ông Phạm Quang Hưng chia sẻ, trong hệ thống cán bộ công chức, viên chức hiện nay xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, một phần nào đó cũng làm nản lòng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Một mặt, chế độ chính sách của cán bộ hiện nay chưa được hấp dẫn, thu nhập từ lương còn thấp, trong khi đó một bộ phận cán bộ lại giàu lên bất thường, làm cho tiêu cực trong đội ngũ cán bộ nảy sinh nhiều hơn. Những yếu tố đó cũng đã tác động đến tâm tư của không ít cán bộ.
“Đã vào công chức nhà nước thì động lực đầu tiên phải là phấn đấu để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân chứ không phải vào đây để tìm kiếm nơi “an toàn”. Trong Đề án về công tác cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương trình Hội nghị Trung ương 7 cũng đề xuất phải cạnh tranh cả vị trí lãnh đạo và vị trí việc làm của công chức, viên chức, tiến tới xóa bỏ biên chế suốt đời. Nếu cán bộ không làm được việc thì phải nghỉ hoặc thay đổi chức vụ” – ông Hưng cho biết thêm.
Vấn đề "có lên có xuống, có vào có ra" không phải đến Hội nghị Trung ương 7 khóa XII mới được đề cập. Từ năm 1997, Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII đã chỉ ra yêu cầu người không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tuỳ theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời.
Tuy nhiên, trong suốt 2 thập niên qua, chúng ta vẫn thấy “lên” mà khó “xuống”, vào biên chế thì không ra được. Đây là một hạn chế lớn cần phải khắc phục nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ hiện nay.
“Nghị quyết Trung ương 7 đã đề ra vấn đề trên, mở đường cho việc sửa một số Luật liên quan. Sẽ không có chuyện cán bộ không làm được việc nhưng vẫn được ngồi ở vị trí lãnh đạo, không làm được việc nhưng vẫn là công chức nhà nước” - ông Hưng nhấn mạnh.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: Báo VOV