Kinh tế

Kem, bim bim TQ siêu rẻ: Lo hàng Việt thua trắng

Nhiều mặt hàng thực phẩm Trung Quốc như kem, bim bim... giá siêu rẻ khiến chuyên gia lo ngại sản xuất trong nước gặp khó khăn lớn.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đồ ăn vặt Trung Quốc đang được nhiều người Việt ưa chuộng, điển hình như kem, bim bim...

Đặc điểm chung của các sản phẩm này là giá siêu rẻ, được quảng cáo là "hàng nội địa Trung Quốc, sản xuất cho người Trung Quốc ăn nên an toàn".

Trung bình, giá mỗi thùng bim bim cánh gà 500 gói chỉ khoảng 630.000 đồng, tức khoảng 1.200 đồng/gói, rẻ hơn bim bim Việt rất nhiều. Nếu mua lẻ theo bịch nhỏ 20 gói thì giá cũng chỉ ở mức 35.000-50.000 đồng/bịch.

Bởi càng mua nhiều càng rẻ nên khách hàng Việt đua nhau đặt cả thùng về cho con ăn.

Tương tự, loại kem được quảng cáo là "chuẩn nội địa Trung Quốc" cũng được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng. Loại kem này được rao bán khắp trên mạng xã hội với giá rẻ nhất 120.000 đồng/thùng 40 que (3.000 đồng/que), một số người bán với mức giá từ 150.000-180.000 đồng/thùng 40 que.

Theo giới thiệu của người bán hàng, bởi là hàng nội địa nên bao bì kem toàn tiếng Trung, hạn sử dụng được 5 tháng, một thùng kem có 40 que đủ 10 vị gồm vị ngô, socola, đậu xanh, dâu, vani,...

Trước sự phủ sóng thị trường của các mặt hàng thực phẩm Trung Quốc nói chung và đồ ăn vặt Trung Quốc nói riêng, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khẳng định, ông không phản đối hàng Trung Quốc hay hàng của bất kỳ quốc gia nào bởi bây giờ kinh tế Việt Nam đã hội nhập. Điều quan trọng là lưới lọc chất lượng của Việt Nam ra sao. Nếu hàng chất lượng kém, lưới lọc "thủng" thì khi hàng vào đến thị trường nội địa, đến tay triệu cả tiểu thương thì lúc ấy thiệt hại ra sao chỉ có người tiêu dùng phải gánh.

Bim bim cánh gà Trung Quốc đang được bày bán tràn ngập thị trường với giá siêu rẻ. Ảnh: VietNamNet

Điều khiến ông Phú lo lắng là các mặt hàng đồ ăn vặt của Trung Quốc rẻ quá, mẫu mã lại đa dạng thì nguy cơ ngành sản xuất Việt Nam, các mặt hàng cùng loại sẽ bị thua cuộc.

"Thế mạnh của Trung Quốc là họ sản xuất hàng loạt, khối lượng sản phẩm cực lớn khiến chi phí sản xuất trên đầu mỗi sản phẩm thấp đi rất nhiều. Kết quả là giá thành sản phẩm khi ra thị trường có giá siêu rẻ.

Không dừng ở đó, Trung Quốc còn miễn thuế, phí nhiều, xúc tiến thương mại tốt, có khi họ còn thưởng cho người bán hàng, hàng hỏng được đổi, trả ngay, thậm chí cho chịu nợ vốn, lãi suất thấp.

Đây chính là mối nguy lớn đối với hàng Việt. Ngành sản xuất Việt Nam, trong đó có các mặt hàng đồ ăn vặt, có thể thua trắng vì hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Lưu ý rằng, không phải tất cả hàng Trung Quốc đều có chất lượng kém. Họ có nhiều hàng tốt, lại thêm giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, tiếp thị giỏi... thì đương nhiên hàng Trung Quốc có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam", ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Điều đáng lo hơn, theo vị chuyên gia, trong lúc hàng Trung Quốc có nhiều thế mạnh thì lưới lọc của Việt Nam lại có nhiều lỗ thủng.

Trước hết, chính sách mỗi cư dân biên giới được mua 2 triệu đồng tiền hàng mỗi ngày mà không phải chịu thuế có nhiều bất cập. Chính lượng hàng khổng lồ mà cư dân biên giới được phép mang về mỗi ngày đã tiếp tay cho hàng Trung Quốc.

"Trong 2 triệu tiền hàng đó có bim bim, có kem Trung Quốc... hay không?", ông Vũ Vinh Phú tự hỏi.

Thứ hai, trong khi hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng khó hơn do phía Trung Quốc kiểm soát chặt, đặt hàng rào kỹ thuật thì Việt Nam lại "mở toang cửa".

Minh chứng cho nhận định này, vị chuyên gia cho biết, Việt Nam đang quản lý hàng hóa nhập khẩu theo kiểu làm từ ngọn. Hiện nay, khi hàng hóa đến cửa khẩu, cơ quan chức năng chỉ lấy mẫu, lưu mẫu và vẫn cho nhập vào, các doanh nghiệp vẫn buôn bán bình thường. Đến khi phát hiện ra sản phẩm không an toàn thì hàng đã ra chợ và được tiêu thụ hết trên thị trường.

"Chết là ở chỗ bỏ tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm. Nhưng hậu kiểm thì ai làm? Có hàng vạn mặt hàng, hậu kiểm đến bao giờ? Chưa kể, hàng đã được dân tiêu thụ hết, kiểm tra bằng cách nào?

Việc bỏ tiền kiểm là đúng, nó giúp giảm chi phí, đỡ phiền hà cho doanh nghiệp nhưng đó chính là con dao hai lưỡi", nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhấn mạnh.

Một thực tế khác cũng được ông Vũ Vinh Phú chỉ ra, đó là chưa kể hiện nay, Việt Nam có vài triệu tiểu thương, làm sao quản lý thị trường có thể đi hết? Và dẫu có kiểm tra thì cũng phải vài năm quay lại chỗ tiểu thương đó một lần.

Thứ ba, bản thân doanh nghiệp Việt lại kém cải tiến, chiết khấu lớn, giá thành cao, khâu trung gian "ăn đậm".

"Tại một hội thảo tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp phản ánh rất nhiều về vấn đề đưa hàng vào siêu thị. Doanh nghiệp có hóa đơn đầy đủ, nhưng siêu thị vẫn bảo chờ, ấy là họ chờ phong bì. Đang có sự chi phối, lũng đoạn trong thị trường bán lẻ và chính điều đó giết chết sản xuất Việt.

Khi chính sách phát triển hàng Việt còn kém thì hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan... tấn công dồn dập, khiến doanh nghiệp Việt khó có cơ hội vươn lên. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, tự ta hại ta là chính", ông Vũ Vinh Phú thẳng thắn.

Không chỉ thị trường đồ ăn vặt của Việt Nam bị hàng Trung Quốc giá rẻ đe dọa mà theo ông Phú, nhiều mặt hàng khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Đó là quần áo, đồ chơi, gia vị, hàng điện tử...

Chính bởi lưới lọc của Việt Nam còn kém, nên hàng Trung Quốc được dịp nhập nhèm về chất lượng.

"Điều đó rất nguy hại, không chỉ ảnh hưởng lớn tới nền sản xuất, móc túi người tiêu dùng mà có thể hại người tiêu dùng nếu đó là hàng kém chất lượng, hàng dởm, hàng giả", ông Phú cảnh báo.

Từ đây, vị chuyên gia khẳng định, không còn cách nào khác, Việt Nam phải xốc lại nền sản xuất trong nước. Một mặt phải khuyến khích doanh nghiệp trong nước, mặt khác phải xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

"Việt Nam có nhiều tấm gương chiến thắng hàng Trung Quốc. Khi bia của Việt Nam tốt lên thì bia táo Trung Quốc không vào được nữa. Tương tự, bóng đèn, phích nước Rạng Đông cũng đẩy lùi được hàng Trung Quốc, thậm chí còn xuất ngược trở lại Trung Quốc, tiếp tục sang các thị trường khác như Mỹ, châu Âu.

Việt Nam có thể nhân rộng những trường hợp đó, có điều không mấy ai chịu đầu tư làm, kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển rất ít, nhiều doanh nghiệp đã quen với kiểu làm ăn chộp giật nên khó thay đổi.

Vì thế, rất cần có vai trò của Nhà nước để giải quyết vấn đề này. Còn với cách làm như bây giờ, chẳng khác nào chúng ta dâng quả bóng cho hàng ngoại đập", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP