Reuters đưa tin, làn sóng tấn công khủng bố tại Indonesia tiếp tục gia tăng khi hôm 16/5 cảnh sát nước này đã bắn chết 3 người đàn ông tấn công trụ sở cảnh sát tỉnh Riau.
Trong đó một tên đã cầm kiếm của các võ sĩ samurai tấn công các cảnh sát khiến 2 nhân viên cảnh sát bị thương. Một tên khác trong nhóm bị tình nghi đã cài bom trong người. Tên thứ 3 cũng bị bắt giữ trong khi 4 nghi phạm khác đã rời khỏi hiện trường.
Trước đó, vào hôm 13/5, Indonesia đã chìm trong làn sóng khủng bố khi một gia đình 6 người đã cài chất nổ, tấn công vào 3 nhà thờ tại thành phố Surabaya, khiến 13 người thiệt mạng. Sau đó một ngày, một gia đình 5 người đã lái xe gắn máy mang bom đâm vào trụ sở cảnh sát tại Surabaya.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Surabaya . Liên tiếp sau đó là các vụ tấn công bằng cách đánh bom, xảy ra lẻ tẻ nhắm vào các đồn và trụ sở cảnh sát.
Làn sóng tấn công khủng bố liên tục gia tăng ở Indonesia |
Hôm 16/5, Jakarta Post đẫn thông tin từ đội chống khủng bố của lực lượng Densus 88 thuộc Cảnh sát quốc gia cho biết trong cuộc bố ráp tiến hành vào tối 15/5, họ đã phát hiện đến 55 quả bom ống ở nhà của tên Tri Murtiono, kẻ chủ mưu cùng gia đình tiến hành một vụ đánh bom tự sát nhắm vào trụ sở cảnh sát thành phố Surabaya hôm 14/5.
Theo các chuyên gia quân sự, việc mất dần lãnh thổ ở khu vực Trung Đông, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện đang đẩy mạnh “xuất khẩu” các vụ tấn công khủng bố ra toàn cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Chúng hoạt động ở miền nam Philippines, lôi kéo các phần tử Hồi giáo cực đoan ở miền nam Thái Lan, Malaysia và Indonesia để tiến hành các vụ tấn công theo dạng “sói đơn độc”.
Đặc biệt là tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất ở Đông Nam Á thường xuyên bị các tổ chức cam kết trung thành với IS tấn công trong vài năm gần đây.
Đầu năm 2016, một chuỗi các vụ đánh bom và nổ súng đã diễn ra tại thủ đô Jakarta, làm 4 dân thường và 4 kẻ tấn công thiệt mạng. Đây là vụ khủng bố đầu tiên trong khu vực có mối liên hệ trực tiếp với IS khi những kẻ chủ mưu và thực hiện là thành viên của lực lượng vũ trang JAD, từng cam kết trung thành với IS.
IS bắt đầu chiến dịch tuyên truyền của mình sau vụ tấn công năm 2016. Tổ chức này sử dụng hình ảnh của người Indonesia để đe dọa chính quyền, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục tấn công.
Năm 2017, tướng Gatot Nurmantyo, tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Indonesia cho rằng, IS đã "vươn tay" của mình đến mọi tỉnh thành trên quốc gia hơn 260 triệu dân. Hơn 30 tổ chức tại Indonesia đã tuyên bố trung thành với IS và từng nhiều lần lên tiếng thể hiện tham vọng thành lập một tỉnh chính thức của IS tại khu vực Đông Nam Á.
Tác giả: Hà Kim
Nguồn tin: Báo Công lý