Chiều 2/12, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 8 người với cáo buộc phản quốc, trong đó có Rachmawati Soekarnoputri, con gái của cựu Tổng thống Indonesia Megawati, chỉ vài giờ trước khi cuộc biểu tình phản đối thị trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama diễn ra.
Còn được biết đến với tên gọi Ahok, ông Purnama đã khiến người Hồi giáo Indonesia tức giận khi đưa ra những bình luận "báng bổ" kinh Koran trong thời gian vận động tranh cử. Người biểu tình đã xuống đường đòi giam giữ ông.
Thị trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama
Guardian dẫn lời phát ngôn viên cảnh sát Indonesia Boy Rafli Amar cho hay: Nhiều khả năng những người vừa bị bắt đang có ý định lợi dụng cuộc biểu tình để kích động nổi dậy lật đổ chính quyền.
Trong một động thái nhằm xoa dịu đám đông, Tổng thống Widodo đã xuất hiện tại cuộc biểu tình ở quảng trường Đài tưởng niệm Quốc gia (Monas) để đảm bảo buổi tuần hành diễn ra hòa bình và khuyến khích người dân về nhà an toàn. Theo ước tính của Jakarta Post, khoảng 200.000 người đã tham gia cuộc biểu tình này.
Người Hồi giáo Indonesia đội mưa biểu tình. Ảnh: Reuters
Basuki Tjahaja Purnama theo đạo Cơ đốc và là người gốc Hoa chiếm thiểu số (1% dân số) tại Indonesia.
Trong bài phát biểu vận động bầu cử hồi tháng 9, ông Purnama đã nói rằng các nhóm Hồi giáo - những người sử dụng kinh Koran để làm giảm bớt sự ủng hộ dành cho ông - đang lừa dối cử tri. Các đoạn kinh này được một số người phiên nghĩa là lời cấm đoán người Hồi giáo sống dưới sự lãnh đạo của một người không theo đạo Hồi.
Các nhóm Hồi giáo cho rằng ông Purnama đã chỉ trích kinh Koran và khiếu nại lên cảnh sát. Thị trưởng Jakarta sau đó đã xin lỗi nhưng phủ nhận yếu tố "báng bổ" trong phát ngôn của mình. Ông cũng cam kết tiếp tục tranh cử thị trưởng, chức vụ mà ông đã kế thừa từ người tiền nhiệm Joko Widodo sau khi ông Widodo lên làm Tổng thống.
Cảnh sát tuyên bố không bắt giữ ông Purnama nhưng ông sẽ bị cấm rời khỏi đất nước trong khi sự việc còn chưa ngã ngũ. Hiện ông Purnama đang phải đối mặt với các cuộc điều tra và xét xử vì những phát ngôn của mình.
Nỗi ám ảnh của người Hoa
Trước đó, cuộc biểu tình ngày 4/11 nhằm phản đối ông Purnama, người gốc Hoa đầu tiên trở thành thị trưởng Jakarta đã thu hút 100.000 người.
Cuộc biểu tình ngày 4/11 biến thành bạo động. Ảnh: BBC.
Nhiều người mang theo biểu ngữ đòi giết ông Purnama và giảm bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Indonesia. Cuộc biểu tình đã biến tướng thành bạo động, khiến một người chết và hàng chục người bị thương.
Người biểu tình còn tìm cách tiếp cận nơi ông Purnama đang sống ở phía Bắc Jakarta và phá hoại tài sản trong khu vực này, nơi trú ngụ của nhiều người Trung Quốc.
Những người quá khích còn đốt xe cảnh sát, buộc giới an ninh phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.
Đối với người Indonesia gốc Hoa, sự việc lần này đã đánh thức những ký ức đau buồn về vụ biểu tình tập thể lật đổ Suharto trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Người Indonesia gốc Hoa cầu khấn ở cửa hàng của mình. Ảnh: AP
Sự bất mãn đối với những ông trùm nhập cư người Trung Quốc, những người được lợi từ mối quan hệ thân thiết với (cựu Tổng thống) Suharto và gia đình tham nhũng của ông này đã dẫn tới các cuộc tấn công nhằm vào người và tài sản của người Trung Quốc ở Indonesia, dẫn tới cái chết của rất nhiều người.
Gần 2 thập kỷ sau đó, khu phố Tàu của Jakarta vẫn còn đầy dấu vết của những tòa nhà bị đốt cháy trong cơn bạo loạn.
"Là con cháu người Hoa, chúng tôi vẫn còn ám ảnh bởi những cuộc bạo động năm 1998", Clement Alexander, chủ tiệm rau quả ở chợ Petak Sembilan, khu phố Tàu chia sẻ, "Chúng tôi nghe nói, chuyện khủng khiếp như vậy sẽ có thể xảy ra lần nữa nếu Chính phủ không kiểm soát được biểu tình. Chúng tôi rất sợ hãi, nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì ngoài cầu nguyện".
"Những người gốc Hoa khá giả có thể chạy trốn sang Singapore hoặc các nước khác, nhưng những người thu nhập thấp như chúng tôi thì rất khó khăn. Chúng tôi chỉ biết trông cậy vào sự bảo trợ của Chính phủ".
Tác giả bài viết: Thi Anh
Nguồn tin: