Tăng khả năng chống chịu cho thành phố
Cần Thơ được xác định là trung tâm vùng ĐBSCL và có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế của toàn vùng. Vùng ĐBSCL có xuất phát điểm thấp, dù điều kiện tự nhiên, khí hậu có nhiều thuận lợi, nhưng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đời sống của một bộ phận người dân trong vùng còn nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, dù Trung ương và các địa phương nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở cho vùng, song vẫn chưa theo đáp ứng yêu cầu và chưa theo kịp sự phát triển của vùng. Nhất là đầu tư hạ tầng giao thông (thủy, bộ, cảng biển, hàng không) còn nhiều hạn chế, chưa kết nối chưa đồng bộ trong toàn vùng. TP Cần Thơ có cơ sở hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ so với các địa phương trong vùng nhưng việc thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư tiềm lực lớn vào thành phố cũng còn nhiều hạn chế; một phần do cơ sở hạ tầng giao thông chưa kết nối liên vùng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nguyên liệu... thiếu và yếu nên cũng phần nào ảnh hưởng đến huy động nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức và chịu tác động của tác động biến đổi khí hậu…Những tác động này nếu không có giải pháp ứng phó sẽ trở thành lực cản lớn cho sự phát triển của thành phố và của toàn vùng.
TP Cần Thơ đang tập trung để xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: ANH KHOA |
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho biết, Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) rất quan trọng đối với thành phố, đây là nấc thang mới để Cần Thơ phát triển đột phá, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cả vùng ĐBSCL. Đây là dự án đa mục tiêu, chứ không chỉ có một mục tiêu là nâng cấp hạ tầng. Thông qua dự án này, thành phố sẽ hình thành các khu vực được bảo vệ một cách bền vững, đảm bảo điều kiện làm việc, sinh sống, chăm sóc sức khỏe của người dân ĐBSCL khi đến Cần Thơ. Các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm khi làm việc, đầu tư tại Cần Thơ, dù trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thành phố vẫn phát triển đi lên.
Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, xu thế phát triển hiện nay của thế giới đang rất nhanh, Việt Nam nói chung, Cần Thơ và ĐBSCL nói riêng là phải tiếp cận với những thay đổi này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, xác định vị trí quan trọng và tầm nhìn chiến lược đến năm 2100 cho vùng ĐBSCL. Nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển thời gian tới. Và trong thời gian qua, Cần Thơ đã có lộ trình và từng giai đoạn để phát triển theo hướng bền vững, thực hiện nhiều chương trình hợp tác quốc tế, trong đó nguồn lực từ WB đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của Cần Thơ suốt hơn 10 năm qua. Các dự án nâng cấp đô thị tại thành phố do WB tài trợ đã giúp cho khu vực trung tâm TP Cần Thơ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và góp phần cho sự phát triển chung của thành phố.
Trong buổi làm việc tại TP Cần Thơ mới đây với lãnh đạo thành phố, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, khẳng định: WB rất mong muốn triển khai Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị trong mối quan hệ 3 bên (WB, phía Thụy Sĩ và TP Cần Thơ), mỗi bên có thế mạnh riêng và chung sức để triển khai dự án hiệu quả. Thông qua dự án này, Cần Thơ cũng phải cải thiện năng lực cạnh tranh, cải thiện năng lực thu hút đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Cần Thơ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo và triển khai dự án, chương trình hành động để tăng cường khả năng chống chịu cho thành phố, nhất là trước biến động của biến đổi khí hậu.
Huy động nhiều nguồn lực
Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ và lãnh đạo Tập đoàn Microsoft cũng đã có buổi làm việc, bàn việc xây dựng TP Cần Thơ trở thành thành phố thông minh. “TP Cần Thơ mong muốn Microsoft chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Cần Thơ xây dựng thành phố thông minh. Với những kinh nghiệm của Microsoft đã từng thực hiện, Microsoft góp ý cho thành phố những giải pháp, để thành phố có thể huy động được mọi nguồn lực trong xã hội và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành xây dựng thành phố thông minh” - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh thông tin.
Theo đại diện Tập đoàn Microsoft, thì Microsoft sẵn sàng hỗ trợ Cần Thơ xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng những mô hình mà Microsoft thực hiện thành công ở nhiều nơi trên thế giới vào thực tiễn phát triển của Cần Thơ. Mô hình của Microsoft là đưa ra các sáng kiến, các giải pháp để cùng các đối tác, các địa phương thực hiện những sáng kiến này. Microsoft cũng đã có những hồ sơ từ rất nhiều sáng kiến để sẵn sàng thực hiện những dự án sắp tới.
Với những nỗ lực này, TP Cần Thơ và Tập đoàn Microsoft dự kiến hợp tác thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng “Thành phố thông minh”, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử TP Cần Thơ; các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường, nông nghiệp, du lịch, quy hoạch thành phố; nghiên cứu, đề xuất giải pháp và lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, thương mại điện tử, công nghiệp và các lĩnh vực khác; đào tạo và phát triển nhân lực công nghệ thông tin…
Cùng với Dự án 3 và nhiều chương trình, dự án hợp tác đã và đang thực hiện, thành phố cũng kỳ vọng được sự hỗ trợ từ Tập đoàn Microsoft để xây dựng Cần Thơ ngày càng phát triển.
Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có tổng mức đầu tư hơn 322 triệu USD, trong đó vốn vay của WB 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) 10 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng. Thời gian thực hiện dự án 2015-2021. |
Tác giả: Anh Khoa
Nguồn tin: Báo Cần Thơ