Cuộc sống

Hôn nhân cạn... lời

Có những cuộc hôn nhân mà người ta chỉ mong đối phương đừng… nói. Bởi cứ hễ người kia mở miệng ra là lại khiến trái tim người này rỉ máu. Dù có thể người kia tốt lắm nhưng sống với họ thực sự là một màn tra tấn…

Ảnh minh họa

Nói như đấm vào tai

"Chồng tôi rất chăm chỉ chịu khó. Anh giặt tay đồ lót của vợ, đút cho con ăn, hơi xíu là đi học nấu món ngon về thết đãi vợ con. Đi làm bao nhiêu tiền đưa hết cho vợ không giữ lại đồng nào. Tiết kiệm vô cùng. Đúng kiểu cả đời chỉ vợ con mình là nhất. Chỉ duy nhất một điều tôi không sao chịu đựng nổi, đó là anh nói như đấm vào tai vợ.

Có lẽ vì anh lớn lên trong phố chợ nên thành tật, lúc nào cũng văng tục và ăn nói rất cộc lốc. Nói chuyện với bố vợ mà anh toàn "Ừ" rồi thi thoảng còn văng câu "Mẹ". Mà bố tôi đường đường là một giáo sư, nên ông chẳng quen và luôn tránh chồng tôi. Con tôi, đứa lớn lên lớp 2, như bản sao của bố, cô giáo nói nó cũng "ừ".

Nhất là lúc 2 bố con chơi game, nó văng bậy với cả bố mà chồng tôi vẫn cười xoà bảo có sao đâu. Nói chuyện với vợ thực sự là như đấm vào tai vợ, nóng lên là xưng mày-tao, gọi tôi là con đ*. Thực sự tôi không biết cách nào để sửa chữa chồng nổi". Một phụ nữ đã "inbox" cho tôi như thế.

Thực ra, cô ấy không phải là người vợ duy nhất có ông chồng "quái gở" thế. Tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Thậm chí trên mạng xã hội, một thời nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ nhiều câu chuyện tương tự về những ông chồng bặm trợn như thế, chăm vợ chăm con giữa bàn dân thiên hạ nhưng mở miệng ra câu nào là chèn "tục" ngữ câu đó.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Điều kỳ quặc là nhiều bạn trẻ cho rằng, cái đó mới là tình yêu thực sự chứ không phải kiểu ngôn tình ngọt ngào mà đằng sau là phản trắc, bất trung.

Hay ở chiều ngược lại, trong những quán bia, tôi cũng được nghe nhiều ông chồng nói về vợ mình rất tốt, mỗi tội "nói như đấm vào tai chồng". Thứ nhiều ông chồng sợ nhất không phải là "Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì" mà là sợ vợ nói từ sáng đến tối, nửa đêm vẫn dựng chồng dậy để nói tiếp.

Đay nghiến, chì chiết. Có ông chồng kể: "Vợ tôi nhớ từng lỗi sai của chồng từ hồi còn đang yêu nhau đến tận bây giờ, sau 14 năm đám cưới. Cứ lần nào "lên cơn" là cô ấy lại lôi ra chì chiết. Mà mỗi lần cô ấy "lên cơn" là sẽ nói không ngừng nghỉ đúng 3 ngày, thậm chí có khi là cả 1 tuần.

Có lần, tôi tức quá không kìm chế được, lỡ vung tay với cô ấy thế là họ hàng hang hốc nhà tôi bị cô ấy lôi ra điểm danh không thiếu một người. Chưa kể cô ấy đi gặp ai cũng kể chuyện bị chồng bạo hành. Báo hại tôi năm đó mất thi đua ở cơ quan, bị phạt hành chính và viết bản cam kết không được đánh vợ. Cái án ấy đeo tôi đến tận bây giờ".

"Nói như đấm vào tai" không chỉ là việc văng tục, cộc lốc hay thói nói dài, nói dai đâu mà còn là cách nói, âm lượng nữa. Có những người sinh ra đã có chất giọng rất chói tai hoặc thói quen nói lớn nhưng thay vì cải thiện ngữ điệu, ngắt câu thì họ lại giữ nguyên, thậm chí đẩy nó lên cao độ bằng việc nói nhiều hơn, ầm ĩ hơn. Không chỉ chồng họ, vợ họ phải chịu mà có khi giữa đường giữa xá, trong đám đông, họ vẫn sử dụng khiến người chồng, người vợ xấu hổ và không muốn đi cùng.

"Học ăn, học nói, học gói, học mở", các cụ đã dạy rồi nhưng nhiều người chẳng chịu học mà cho rằng đó là bản tính sinh ra đã thế, yêu họ thì phải chấp nhận điều đó. Mà quả thực, cả một người chồng tốt, một người vợ tốt chỉ vì cách ăn nói mà huỷ hoại đi chính cuộc hôn nhân này. Bởi không gì bào mòn hôn nhân bằng sự khó chịu về nhau.

Nói những lời thật bạc

Nếu như "nói đấm vào tai" còn có thể "mũ ni che tai" thì "nói những lời bạc bẽo" chẳng thể lấy gì che tai được. Bởi lời nói ấy đâm thẳng vào tim người nghe. Nó khiến nhiều người vợ, người chồng rỉ máu. Nó khiến hôn nhân bạc màu đi. Nó làm cho người ta cạn lời, đau lòng.

Ảnh minh họa

Chuyện một người vợ nọ kể với tôi rằng: "Mỗi khi em hỏi anh ta câu gì là y như rằng anh ta trả lời lại em bằng một câu hỏi. Như khi em về đến nhà, mệt mỏi với công việc cả ngày rồi, lại thêm kẹt xe khiến đầu em đang muốn vỡ tung, em hỏi chồng: Hôm nay nhà mình ăn gì hả anh?

Anh có biết chồng em trả lời sao không? Anh ta đáp: "Em bị mù à? Không thấy anh cũng đang bận đây à? Có gì ăn nấy, sao còn hỏi? Không thì tự mà nấu mì đi, em không biết đường mà tự làm à?". Thực sự em đau nhói cả lòng. Ai cũng đi làm. Ai cũng mệt. Ai cũng cáu giận. Nhưng sao cuối cùng em lại là kẻ chịu trận? Em đau lòng quá, hôn nhân của em hết cứu rồi".

Nhiều người như vậy. Họ luôn dùng câu hỏi để trả lời cho một câu hỏi. Mà không biết rằng đó là thứ giao tiếp chẳng vui chút nào nếu như không nói rằng nó mang tính tấn công và xúc phạm nhau.

Trong phỏng vấn xin việc, ứng viên trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng bằng một câu hỏi luôn bị đánh giá là khiếm nhã và khả năng bị đánh trượt rất cao. Bạn cứ thử đổi ngược lại là bạn đi, khi bạn hỏi một ai đó: Cho em hỏi đường tới phố Hàng Chuối đi đường nào ạ? Mà người trả lời lại bạn bằng câu hỏi: "Mới ra Hà Nội à? Đường đến Hàng Chuối cũng không biết à? Cái biển to lù lù thế kia mắt mũi để đâu mà không thấy? Hay không biết đọc?", bạn có tức điên lên không?

Vợ chồng thì càng tức điên lên hơn vì chúng ta là người thân, người nhà chứ chẳng phải là người dưng nước lã. Người thân, người nhà nếu không nói được câu gì tử tế thì im lặng cũng đã là sự tử tế rồi. Chỉ là nhiều người chồng, người vợ chẳng nghĩ được như thế!

Trong chương trình "Bạn Được Quyền Hạnh Phúc" trên VTV2, nhiều lần tôi đã phải ngắt lời những người vợ, người mẹ vì họ luôn cho rằng "nói mãi chồng không chịu hiểu", "nói mãi con chẳng chịu nghe".

Tôi phải ngắt lời họ vì họ quên rằng chồng họ, con họ đang thương tổn sâu sắc chỉ vì có người vợ, người mẹ như họ. Những người vợ, người mẹ luôn cho rằng mọi lời mình nói đều đúng và người kia không nghe là người kia sai. Phải nói cho thủng ra. Phải nói cho khôn ra. Sống cùng với người lúc nào cũng biến lời nói của mình thành "thánh chỉ" thì chồng với con đúng là "bề tôi".

Mối quan hệ bất bình đẳng đó huỷ hoại hôn nhân bởi nó biến hôn nhân này thành một chiều. Chưa kể nhiều người (cả vợ lẫn chồng) đều rất hay có thói quen bắt bẻ. Cái gì họ cũng nhìn ra điểm chưa ổn của đối phương để bắt bẻ.

Tại sao rau muống luộc chẳng xanh mà vàng úa thế này? Tại sao luộc kiểu nào mà rau muống xanh lét thế kia thì ai dám ăn? Tại sao nói mãi em/ anh không chịu hiểu, não mọc dưới mông à? Những lời công kích ấy thực chẳng khác nào thọc dao vào tim nhau vậy.

Lựa lời mà nói…

Tôi không phủ nhận nhiều người vợ dốc lòng lo cho gia đình, nhiều người chồng coi gia đình là nhất. Chúng ta ai cũng trân trọng những người vợ, người chồng như thế. Nhưng lưỡi sắc lắm, với người dưng "lời nói gió bay" nhưng với người thân nhiều khi "lời nói gió xoáy" tốc cả mái ấm, khoét cả trái tim.

Một giao tiếp lành mạnh sẽ giúp hôn nhân đi xa, giữ lại nhau trong tổ ấm này. Một giao tiếp lỗi có thể vùi hôn nhân xuống đáy vực. Lựa lời mà nói với nhau để biến nó thành lời trái tim gửi được không? Như thay vì bắt lỗi nhau, nói về lỗi lầm của đối phương, sao không là những lời khích lệ?

Thay vì nói: "Anh sai lè ra rồi!", "Em làm vậy mà coi được à", sao không phải là: "Anh nghĩ sao nếu chúng ta làm thế này? Em thấy cũng được mà", "Cách của em cũng được đấy nhưng anh thấy nếu như chúng ta thử làm thế này có khi lại đỡ mất công em hơn ấy chứ". Là cho đối phương những giải pháp mang tính xây dựng, đề xuất thay vì chỉ quy kết, phán tội đối phương.

Chúng ta uốn lưỡi không phải vì tìm ra câu ngôn tình mà là vì ta không muốn làm thương tổn bạn đời của mình thôi, phỏng ạ?

Tác giả: Hoàng Anh Tú

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

  Từ khóa: mạng xã hội , hôn nhân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP