Giáo dục

Học sinh Sài Gòn đề xuất bỏ xếp hạng trong lớp

Áp lực thành tích học tập, thi cử, các vấn đề về môi trường, nhà vệ sinh trường học được thiếu nhi bày tỏ với lãnh đạo thành phố.

Sáng 16/2, tại chương trình lãnh đạo TP HCM gặp gỡ thiếu nhi xuân Kỷ Hợi 2019, em Ngô Triệu Vy (lớp 8, THCS Linh Trung, quận Thủ Đức) nói cần bỏ xếp hạng học sinh trong lớp học. Bởi theo nữ sinh, việc làm này khiến phụ huynh so bì thành tích con của mình với người khác, gia tặng việc chạy đua thành tích khiến áp lực của học sinh rất lớn.

Việc xếp hạng trong lớp học đôi khi còn gây "tác dụng ngược" khi nhiều học sinh chán nản, không muốn học tập nữa. Vy cũng nêu thực tế nhiều bạn cùng trang lứa không được học hai buổi mỗi ngày, chất lượng học tập vì vậy mà giảm sút. Nhiều trường không gian rất chật hẹp, không có nơi chơi thể thao, phải chen chúc trong giờ ra chơi.

Ngô Triệu Vy

Ngô Triệu Vy (học sinh THCS Linh Trung, quận Thủ Đức) phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trong khi đó, Võ Ngọc Thủy Tiên (học sinh THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6) mong ngành giáo dục giảm tải áp lực cho chính các thầy cô. Tiên nêu thực tế, giáo viên đang bị áp lực thi đua, thành tích của họ phụ thuộc vào học lực của học sinh, lớp học nhiều hay ít học sinh giỏi.

"Khi lên lớp thầy cô bị áp lực chạy đua sẽ dồn nén kiến thức, rất khó để học sinh tiếp thu, cả thầy và trò đều mệt mỏi căng thẳng", nữ sinh nói.

Cùng chủ đề này, Huỳnh Thị Thùy Dương (học sinh trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân) cho biết bài tập các môn học hiện rất nhiều, các em phải học từ sáng đến chiều ở trường, tối về làm bài đến 22-23h mới được nghỉ ngơi.

Dương còn phản ánh thực tế thiếu phòng thí nghiệm, thực hành ở trường. Việc đi thực tế ở các môn học còn hạn chế, chủ yếu chỉ học lý thuyết trên lớp.

Nối tiếp ý kiến của Dương, Nguyễn Đạt Mẫn (học sinh THCS Lê Quý Đôn, quận Thủ Đức) cho biết học đến khuya nhưng buổi sáng các em phải học từ sớm (6h45). Do đó, Mẫn mong muốn được giãn thời gian học, buổi sáng học muộn hơn một chút để học sinh đỡ mệt mỏi.

"Cần cải thiện môi trường học tập, giảm số học sinh trong lớp. Hiện lớp học chúng em 50 học sinh là quá lớn, giáo viên không đủ thời gian quan tâm tới học sinh khi mỗi tiết chỉ là 45 phút", Mẫn bày tỏ.

Với chủ đề chính của buổi gặp gỡ "Học sinh thành phố chung tay bảo vệ môi trường", nhiều học sinh đã chia sẻ những câu chuyện chưa tốt trong việc bảo vệ môi trường, phân loại rác thải ở địa phương, chất lượng nhà vệ sinh trường học.

Đồng Vân Anh (học sinh THCS Trung Lập, huyện Củ Chi) cho biết rác thải được đốt ngay trong trường, xe thu gom rác thải hoạt động ngay trong giờ học. Học sinh do đó phải hít thở khói, mùi hôi bốc ra, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vũ Đình Thi (THCS Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) lại bức xúc khi bãi biển nơi nam sinh ở có màu nước đen, bốc mùi do người dân, du khách vứt rác, bao nylon bữa bãi. Học sinh này còn phản ánh tình trạng lấn biển gây mất cảnh quan thiên nhiên.

Nhiều học sinh ở các huyện ngoại thành cho biết, sở dĩ rác thải bừa bãi là do mật độ thùng rác thưa thớt, người dân muốn vứt rác đúng chỗ cũng khó. Ngoài ra, nhà vệ sinh trường học ở các địa phương này đã xuống cấp, rất hôi, ảnh hưởng khá lớn đến việc sinh hoạt ở trường.

nam sinh THCS

Một nam sinh THCS chia sẻ về việc học tại trường với lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trao đổi với học sinh, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết từ năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục đã có hướng dẫn về tăng cường thực hành, giảm lý thuyết trong giảng dạy ở trường. Ngành giáo dục thành phố đã thực hiện và sẽ đẩy mạnh kế hoạch trong năm nay.

Về sĩ số học sinh, theo bà Thu, áp lực tập trung ở các quận huyện có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp với dân số cơ học tăng mạnh ở các năm. "Sở sẽ ghi nhận các phản ánh về những lớp học quá đông học sinh để làm việc với địa phương, có biện pháp điều chỉnh phù hợp", bà Thu cho biết.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Giáo dục, hiện các trường phổ thông có kế hoạch xây dựng 225 dự án nhà vệ sinh, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn huy động xã hội hóa. Riêng khối THPT sẽ có 34 dự án, bắt đầu thực hiện từ năm nay.

Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho hay, đã có một công ty đề xuất xây dựng 400 nhà vệ sinh công cộng trên khắp thành phố và đang chờ xem xét chấp thuận. Dự án này được hy vọng giải quyết tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng cho người dân nói chung và cho học sinh.

Nói về kế hoạch phân loại rác thải, ông Thắng cho biết ngành tài nguyên, môi trường sẽ phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn cụ thể các trường, học sinh thu gom và xử lý rác cho đúng.

Tiếp thu ý kiến của học sinh, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, nhiều vấn đề trong lĩnh vực giáo dục thuộc về quy trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không thuộc thẩm quyền của thành phố. Ông đề nghị Sở Giáo dục là cầu nối đưa những phản ánh của học sinh thành phố đến Bộ hoặc thông qua kênh đại biểu Quốc hội.

Ông Phong nhìn nhận, sân chơi cho thanh thiếu niên hiện rất thiếu, dù đây là mảng được thành phố quan tâm. Ông yêu cầu các sở ngành nghiên cứu để làm phong phú hơn sân chơi cho học sinh.

Chủ tịch TP HCM cũng giao Sở Giáo dục rà soát nhà vệ sinh trường học toàn thành, nơi nào không bảo đảm tiêu chuẩn thì báo cáo để thành phố cân đối nguồn kinh phí xây dựng, sửa chữa.

Ông Nguyễn Thành Phong

Ông Nguyễn Thành Phong trao đổi với thiếu nhi thành phố sáng 16/2. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cuối buổi gặp gỡ, ông Phong "đặt hàng" thiếu nhi 5 nhóm công việc.

Thứ nhất, học sinh vận động người lớn bảo vệ môi trường. "Sau những buổi bắn pháo hoa hay cổ vũ bóng đá thì rác ngập tràn. Sau đó lại rất nhiều bạn trẻ rủ nhau đi nhặt rác để tuyên truyền ý thức cho mọi người, một người xả thì một người nhặt, hy vọng các cháu cùng tham gia", ông Phong nói.

Thứ hai, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Giáo dục phối hợp với Thành Đoàn thực hiện chương trình đưa học sinh đến bảo tàng nhiều hơn. Phí vào cổng bảo tàng của thành phố sẽ được nghiên cứu để giảm tối đa hoặc miễn phí cho học sinh. "Các bảo tàng là những bài học sinh động về lịch sử dân tộc chúng ta, để từ đó các cháu thêm tự hào về truyền thống để cố gắng học hành", ông chia sẻ.

Thứ ba, học sinh không nên lạm dụng điện thoại thông minh mà nên xem nó là phương tiện để liên lạc, trao đổi học hành.

Thứ tư, đọc thêm nhiều sách lịch sử đất nước và thành phố. Ông Phong nói thành phố sẽ phát động vận động đẩy mạnh việc đọc trong nhà trường.

Cuối cùng, ông Phong muốn học sinh "thời gian rảnh rỗi đừng dùng điện thoại mà nên giúp đỡ cha mẹ, tham gia hoạt động xã hội". Những việc làm này giúp học sinh thêm trưởng thành, sống có lý tưởng, lẽ sống tốt đẹp.

Lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi nhân dịp đầu xuân là hoạt động thường niên của TP HCM. Tham gia chương trình gồm lãnh đạo Thành ủy, chính quyền thành phố và hàng trăm thiếu niên tiêu biểu đại diện cho hơn một triệu học sinh.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP