Thể thao

HLV Lê Thụy Hải: "Việt Nam nên cắp sách sang học Campuchia đi là vừa"

Việt Nam vừa thắng Campuchia đấy, nhưng có một điều chúng ta gần như không bao giờ vượt qua được họ.

Từ 40.000 đến 50.000

Trận Bán kết U16 ĐNÁ giữa Việt Nam vs Campuchia, nước chủ nhà có 50.000 CĐV tới sân cổ vũ. Trước đó ở trận U16 Campuchia gặp U16 Thái Lan, đã có 40.000 NHM chủ nhà đến sân cổ vũ.

Ở cấp độ trẻ U16 khá "vô thưởng, vô phạt", đó là số lượng CĐV không thể tin nổi. Và càng khó tin hơn là sau khi thua Thái Lan tới 0-6, U16 Campuchia vẫn được NHM nước nhà cổ vũ cực kì cuồng nhiệt.


"Đúng là đến tôi còn đang mơ ngày bóng đá Việt Nam có hàng chục nghìn CĐV tới sân cổ vũ giải trẻ như thế.

Chúng ta nên xem lại, nền bóng đá nào cũng cần dựa vào khán giả nhưng Việt Nam thì ngày một ít người xem. CĐV Việt Nam có yêu bóng đá không? Họ có yêu bóng đá nước mình không? Họ có được thấy bóng đá Việt Nam tiến bộ lên không?

Tại sao sân bóng Việt Nam giờ vắng thế, rồi cứ tìm cách đổ lỗi? Thật sự các trận đấu giờ không còn hay, dù nhiều bàn thắng. Rồi nhiều bàn thắng thì lại nghi ngờ... theo tôi không nên như vậy.

Thời tiết khó khăn, rồi vướng giải Euro, Copa America nên NHM không xem bóng đá Việt Nam. Nhưng cũng điều kiện như thế, thì ở Campuchia họ vẫn đông người xem. Vì bóng đá của họ tiến bộ, và họ yêu bóng đá.

Về điều này, có ngày Việt Nam nên cắp sách học Campuchia đi là vừa" – HLV Lê Thụy Hải nhận định.

HLV U16 Campuchia bật khóc sau thất bại trước U16 Việt Nam.

Sau trận đấu với U16 Việt Nam, HLV người Nhật Bản, Inoue Kazunori đã bật khóc. Hình ảnh đầy xúc động đó chắc chắn đã làm nhiều CĐV Campuchia cảm thấy hạnh phúc, dù vừa thất bại.

"Người ta yêu bóng đá vì những khoảnh khắc xúc động như thế. Mà nhiều người đến, xem và muốn thắng thì rất xúc động. Thật lòng họ đã làm hết khả năng nhưng vẫn muốn hơn nữa để làm vừa lòng CĐV.

Còn ở Việt Nam tại sao chúng ta cứ thờ ơ? Các em U16 đã mang lại những điều giúp chúng ta hạnh phúc, nhưng chúng ta đã đem lại gì, đã đầu tư gì hay lại chìm lắng?" – ông Lê Thụy Hải tiếp.

Điều quan trọng với U16 Việt Nam là con đường phía sau giải đấu

Đẩy vấn đề đi xa hơn, Giám đốc kĩ thuật của CLB Thanh Hóa nói:

"Nhiều em U16 lên trên lại không thấy đâu cả thì phải xét lại công tác đào tạo, chăm mầm cho lứa trẻ đó. Chúng ta cứ thấy thế rồi tung hô, ăn theo rồi chẳng ai nói gì. Chúng ta cần nhìn từ thượng tầng kiến trúc.

Campuchia, Lào và các đội yếu hơn có nhiều tiến bộ, đó là văn hóa, nền bóng đá theo kịp nhau, các nước châu Mỹ cũng vậy chứ không riêng đâu. Đó là điều ta cần xem xét để vượt qua họ chứ đừng để bị kéo lùi lại.

Đừng cho họ có nhiều khán giả quá và bảo chúng ta bị sức ép. Xem lại trận đó xem chúng ta có hơn họ nhiều không? Hay hơn họ ở 1 bàn lộn xộn từ pha đá phạt. Chúng ta cần nhìn khách quan.

Ví dụ ở Thanh Hóa, FLC họ quyết tâm cao, không dám khen nhưng họ muốn làm bóng đá thật sự, xây dựng đội trẻ, chọn HLV trẻ... nhưng sân bãi có đâu, điều kiện tập luyện có đâu, các HLV lương có ổn định đâu, chúng ta phải thừa nhận thế.

Sân bãi cần kết hợp nhiều, CLB không thể mua đất mà cần kết hợp địa phương, và khi đó VFF cần có ý kiến".

Con đường của các cầu thủ U16 Việt Nam còn rất dài (Ảnh: Zing.vn)

Rõ ràng, vấn đề với lứa U16 Việt Nam là tương lai để phát triển thành một cầu thủ chuyên nghiệp, có thể sống với niềm đam mê, chứ không dừng lại tại một giải đấu trẻ như hiện tại.

Khi đó, điều cần thiết là các cấp lãnh đạo có thể định hướng, có phương pháp đào tạo các em thành tài, chứ đừng thắng rồi tung hô, vài hôm lại... xẹp xuống.

Vì sao U16 Việt Nam chỉ thắng U16 Campuchia 1-0?

"Hiện nay báo chí đang nói nếu chúng ta vào gặp Australia là khó khăn, nhưng ở vòng bảng thắng 3-0. Bóng đá là thế nên nói khó lắm. Vì sao chúng ta cứ nghĩ sẽ thắng Campuchia? Euro nhiều đội yếu mà còn vào sâu. Bóng đá giờ như vậy, cánh cửa đã mở và xích lại gần nhau rất nhiều.

Bóng đá Việt Nam thì đâu đã tiến bộ gì, như U19, lứa HAGL đá ghê nhưng chưa được giải nào. U16 thì cũng như U17 đó, đá giải trong nước thì U17 chơi giữa trưa nắng, sân kém... cứ như thế thì vào Chung kết đã là quá tốt rồi.

Còn để đánh giá, hy vọng thì rất khó. Khi đá giải trẻ khu vực không kém mấy, nhưng trưởng thành kém rất xa mới là vấn đề. Chứ so sánh ở giải trẻ, rồi vô địch thì dong trống mở cờ thì chẳng để làm gì.

Theo tôi cần thay đổi cách làm, chứ SEA Games giờ thắng Campuchia cũng rất khó khăn. Nếu họ có đầu tư, quyết tâm và học viện thì chúng ta cũng sẽ rất khó khăn" – HLV Lê Thụy Hải nhận định.

Trước thềm trận Chung kết, ông Hải cho rằng mấu chốt thắng thua sẽ nằm ở tâm lý.

"Các em phục hồi nhanh nhưng tâm lý thì nặng, vì chưa có nhiều bản lĩnh, kinh nghiệm chỉ là chơi vui thôi. Chưa phải đặt vấn đề thắng thua thì thoải mái. Còn đặt thắng thua thì tâm lý sẽ rất căng thẳng. Tâm lý có nặng nề hay không, đó mới là vấn đề".

Tác giả bài viết: Đoàn Dự

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP